Quản lý thời gian: Khó hay dễ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- So với quản lý chi tiêu, quản lý thời gian cũng không kém phần quan trọng, tuy nhiên, để sử dụng quỹ thời gian một cách thông minh và hiệu quả đòi hỏi mỗi người phải có kỹ năng nhất định.

Stress vì con

 

 

Tự nhận mình là người sử dụng thời gian chưa hiệu quả, chị Nguyễn Thị Oanh (tổ 3, phường Ia Kring, TP. Pleiku) chia sẻ: “Mình vốn cầu toàn trong chuyện ăn-uống nên mỗi sáng phải mất 1-2 giờ cho việc đi chợ. Thậm chí, mình có thể chạy xe hơn 10 km chỉ để mua cho được món ăn mà con thích”. Không chọn các chợ gần nhà hay chợ trung tâm, chị Oanh thường chạy xe lòng vòng quanh các khu chợ ngoại ô, có khi chị ra tận xã Biển Hồ để mua lươn, mua cá rồi xuống tận xã Chư Á để mua con gà... Dù có người giúp việc trong nhà, nhưng không yên tâm nên chị luôn tự mình xuống bếp chế biến các món ăn, cho con cái ăn xong rồi mới chuẩn bị đi làm. Vì luôn tất bật với chuyện con cái, cơm nước nên nhiều khi lên cơ quan chị Oanh còn quên luôn cả chuyện chải tóc, có khi còn đi nhầm cả dép ở nhà lên cơ quan. Loay hoay giữa việc nhà-việc cơ quan, dường như chị chẳng mấy khi có thời gian cho bản thân. “Mình cũng thích ngồi nhâm nhi cà phê cùng bạn bè, đồng nghiệp nhưng nói thật, mình luôn thèm ngủ nên cứ rảnh một chút là mình chợp mắt để lấy lại sức”-chị Oanh bộc bạch.

Việc sắp xếp thời gian, công việc thiếu khoa học không chỉ khiến cho bản thân mỗi người luôn cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng mà những người xung quanh cũng luôn thấy nặng nề, khó chịu vì phải đợi chờ, phụ thuộc… Trao đổi về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy-Hội trưởng Hội quán các bà mẹ TP. Hồ Chí Minh, trong một chương trình tư vấn tại Gia Lai đã chia sẻ: Stress hay trầm cảm là do bản thân mỗi người đang tự làm khó mình, nhất là các mẹ. Bởi các bà mẹ mới là người có những hiểu biết nhất định, làm chủ cảm xúc và cân bằng, sắp xếp mọi thứ chứ đừng đổ trách nhiệm sang cho con cái hay vì bất cứ lý do gì.

Đừng để “nước đến chân mới nhảy”

Mỗi ngày trôi qua chỉ có 24 giờ, vậy làm thế nào để quản lý, sử dụng thời gian ấy một cách thông minh? Theo chị Nguyễn Thị Thanh Thúy- Hội trưởng Hội quán các bà mẹ TP. Hồ Chí Minh, thì mỗi người nên xây dựng cho bản thân, con cái những thói quen và lên kế hoạch công việc một cách rõ ràng, cụ thể và phải làm chủ kế hoạch ấy. Đặc biệt, trong gia đình hay ngoài xã hội, mỗi người hãy biết san sẻ công việc cho nhau chứ không nên ôm hết việc vào mình để rồi tự “làm khó” mình… Thậm chí, ngay cả việc ăn, uống mỗi ngày trong gia đình cũng cần lên thực đơn để tránh lãng phí thời gian cho việc đi tới, đi lui trong chợ mà không biết mua gì hoặc mua quá nhiều, quá ít…

Chồng thường xuyên công tác xa nhà, một mình chị Lưu Thị Hải (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) vừa đi làm, vừa chăm sóc 2 con nhỏ nhưng mỗi lần xuất hiện, chị đều tạo cho người đối diện sự vui vẻ, nhẹ nhàng. Bạn bè, đồng nghiệp chưa một lần nghe chị than phiền về chuyện con cái. “Bí quyết” của chị rất đơn giản, đối với con cái, chị dạy cho chúng tính tự lập từ nhỏ và chia sẻ công việc nhà khi chúng lên 5 tuổi. Chuyện dọn dẹp nhà cửa được chia lịch rõ ràng, thay vì đi chợ mỗi ngày thì chị mua sẵn thức ăn, rửa sạch bỏ trong tủ lạnh. “Mình thường nhờ người quen ở dưới làng, khi nào mổ heo thì mua hẳn một đùi heo rồi về chia ra từng bì nhỏ bỏ tủ lạnh ăn dần; cá biển hay gà cũng thế nên muốn ăn gì chỉ cần mở tủ lạnh ra chứ không cần phải ra chợ mỗi ngày”-chị Hải bộc bạch. Thỉnh thoảng chị cũng phải đi công tác sớm nên chị dạy cho con quen với việc tự chăm sóc nhau khi mẹ không có nhà. “Bé lớn đang học lớp 5 đã có thể chăm em đang học lớp 3 nên mình cũng yên tâm. Sáng nào phải đi công tác, mình nói trước với các con rồi sáng dậy sớm, nấu sẵn thức ăn, cắm nồi cơm để các con dậy có thể tự ăn…”-chị Hải giãi bày.

Cùng chung cảnh ngộ chồng thường xuyên vắng nhà, không có người chia sẻ việc chăm sóc 2 con nên chị Phạm Thị Mến (tổ 10, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) luôn nhắc nhở bản thân phải sắp xếp công việc một cách khoa học nhất, tránh để “nước đến chân mới nhảy”. “Trên màn hình máy tính của mình luôn xuất hiện một bảng ghi chú về những công việc phải làm trong ngày, trong tuần. Việc nào quan trọng thì mình ưu tiên đưa lên trước để giải quyết, cứ thế mình chẳng mất nhiều thời gian để phải nhớ xem nên làm gì trước, làm gì sau và công việc cũng không bị chậm trễ hay chồng chéo”. Không mang công việc về nhà, chị Mến có thêm thời gian dành cho con cái cũng như sở thích của bản thân là bán hàng online.

Rõ ràng, thời gian mỗi ngày là không thể thay đổi, có chăng mỗi người hãy tự tạo cho mình quỹ thời gian và sử dụng chúng một cách thông minh để thoát khỏi sự căng thẳng, mệt mỏi.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm