(GLO)- Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý truyền thống của dân tộc ta. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, hàng năm, nhất là vào những ngày tháng 7, cùng với cả nước, nhân dân trong tỉnh lại có những hoạt động tri ân đến các thương-bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ. Đó là toàn dân chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, giải quyết có hiệu quả những tồn đọng về chính sách sau chiến tranh.
Khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho thương- bệnh binh và thân nhân gia đình liệt sĩ tại xã Gào, TP. Pleiku. Ảnh: Đinh Yến |
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã xác nhận, điều chỉnh và giải quyết 1.435 hồ sơ các loại. Trong đó, điều chỉnh trợ cấp chất độc hóa học 685 hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ; kiểm tra, rút hồ sơ và ra quyết định giải quyết mai táng phí và trợ cấp 1 lần cho 381 đối tượng người có công từ trần; rà soát 1.320 hồ sơ người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học đã giải quyết chế độ theo Quyết định số 120, đề nghị các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn 746 đối tượng bổ sung thủ tục hồ sơ theo quy định. Cùng với đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội còn phối hợp với các địa phương cấp 14.070 suất quà của Chủ tịch nước, với số tiền trên 2,8 tỷ đồng; quà từ ngân sách tỉnh là 11.484 suất trị giá trên 1,9 tỷ đồng và quà từ ngân sách huyện là 5.728 suất, trị giá 998 triệu đồng.
Kể từ ngày phát động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đến nay, liên tục được các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần để tạo điều kiện cho các gia đình chính sách có mức sống cao hơn mức sống của người dân đang sinh sống. Tính riêng năm 2013, các tổ chức, cá nhân của 17 huyện, thị xã, thành phố và 86 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 3,55 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Ban quản lý quỹ các cấp đã chi trên 2,2 tỷ đồng để làm mới, sửa chữa 40 căn nhà tình nghĩa, thăm hỏi, hỗ trợ người có công với cách mạng; tặng sổ tiết kiệm và xây dựng nhà bia ghi tên liệt sĩ xã Ia Pia (huyện Chư Prông)…
Có thể khẳng định: Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đã được các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện tốt, góp phần cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho các đối tượng chính sách. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh còn có những mặt hạn chế, chưa kịp thời. Cụ thể, công tác quản lý, giải quyết chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng ở một số xã, phường, thị trấn chưa được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo; một số cán bộ chuyên trách trình độ còn hạn chế chưa đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ nên việc theo dõi, quản lý và hướng dẫn về chính sách, chế độ, thủ tục hồ sơ cho đối tượng chưa kịp thời. Công tác tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng ở một số địa phương, đơn vị chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng nên một số bộ phận cán bộ, nhân dân và đối tượng người có công chưa nhận thức đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chế độ ưu đãi đối với người có công, do đó trong quá trình tổ chức thực hiện không kịp thời.
Hướng tới kỷ niệm 67 năm Ngày thương binh-Liệt sĩ, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng mở các đợt tuyên truyền tập trung về công tác thương binh, gia đình liệt sĩ, trong đó chú trọng phát động sâu rộng phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ. Mặt khác, chú trọng biểu dương các cá nhân, gia đình người có công với cách mạng, gương mẫu chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, vươn lên tự làm giàu chính đáng của các cá nhân, tập thể trong các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Vận động các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tiếp tục ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Giải quyết dứt điểm việc xác nhận và thực hiện các chính sách còn tồn đọng đối với người có công, tiếp tục duy trì và làm tốt hơn nữa việc đỡ đầu, phụng dưỡng thân nhân liệt sĩ cô đơn, Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bên cạnh đó, thực hiện tốt tổng rà soát 7 đối tượng người có công của các địa phương để báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nhằm giải quyết dứt điểm việc xác nhận và thực hiện các chính sách còn tồn đọng đối với người có công. Giải quyết các loại hồ sơ cho đối tượng người có công theo Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Tiếp tục phối hợp với các ngành triển khai ddề án của UBND tỉnh về hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công theo Quyết định 22 của Chính phủ...
Đinh Yến