Quan tâm hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO) - Theo kết quả điều tra, toàn tỉnh Gia Lai có khoảng 13.000 người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong đó, có 6.225 người là nạn nhân bị nhiễm trực tiếp và 6.747 người bị nhiễm gián tiếp; nhiều người là phụ nữ và trẻ em, trên 400 người thuộc thế hệ thứ 3.
Đến nay, số người nhiễm chất độc da cam được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng là 2.592 người, trong đó, trực tiếp là 1.359 người, gián tiếp là 1.233 người.
Chung tay vì nạn nhân chất độc da cam
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể, thời gian qua, công tác chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) trên địa bàn tỉnh đã được triển khai bằng nhiều hình thức thiết thực. Đó không chỉ là sự động viên về tinh thần mà còn là sự hỗ trợ về vật chất, chăm lo hỗ trợ sinh kế giúp các gia đình nạn nhân da cam cải thiện đời sống, vươn lên hòa nhập cuộc sống.
Tặng bò cho gia đình NNCĐDC/dioxin trên địa bàn huyện Chư Sê. Ảnh: N.X.T
Bà HNgia-Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh-cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển 8.000 hội viên, 17/17 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Hội NNCĐDC/dioxin. Tổ chức Hội được kiện toàn nên công tác chăm lo các NNCĐDC được phủ rộng từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức. Cán bộ Hội các cấp đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tăng cường tuyên truyền làm cho xã hội hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của Hội và hậu quả của chất độc hóa học.
Theo bà HNgia, 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh đã vận động các đơn vị, cá nhân ủng hộ Quỹ NNCĐDC tỉnh với số tiền gần 1,1 tỷ đồng. Từ đó, các cấp Hội đã hỗ trợ NNCĐDC với nhiều hoạt động ý nghĩa như thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, Tết; trợ cấp đột xuất; tặng sổ tiết kiệm; hỗ trợ sửa và làm nhà mới; cho vay vốn sản xuất, chăn nuôi không lấy lãi; trợ cấp học bổng...
Ngoài ra, năm 2015, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà xông hơi-giải độc cho NNCĐDC/dioxin và trang-thiết bị phòng xông hơi-giải độc, nhà nghỉ cho NNCĐDC trên địa bàn tỉnh. Từ khi công trình hoàn thành và đi vào hoạt động (tháng 6-2015) đến nay, đã có trên 530 lượt người được xông hơi-giải độc, chăm sóc sức khỏe. 
Quan tâm hỗ trợ sinh kế
Thời gian qua, nhiều cấp Hội cơ sở đã thực hiện tốt công tác chăm lo cho NNCĐDC/dioxin. Ông Nguyễn Xuân Thủy-Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Chư Sê-cho biết: Toàn huyện có hơn 1.000 người bị nhiễm chất độc da cam. Trong số này, có gần 800 người hoạt động kháng chiến (gần 400 người trực tiếp tiếp xúc với chất độc da cam); 115 người là con đẻ của người hoạt động kháng chiến và dân thường bị dị tật, dị dạng do nhiễm chất độc da cam; 97 người là cháu nội, ngoại của người hoạt động kháng chiến và dân thường bị nhiễm chất độc da cam (thế hệ thứ 3).
Ông Thủy cho biết thêm, nỗi đau da cam thường dai dẳng qua nhiều thế hệ. Hiện trên địa bàn huyện Chư Sê có 1 gia đình có đến 8 nạn nhân, 3 gia đình có 4 nạn nhân, 10 gia đình có 3 nạn nhân và 37 gia đình có 2 nạn nhân… Cảm thông và chia sẻ, Huyện hội Chư Sê đã quan tâm hỗ trợ thiết thực các gia đình nạn nhân. Trong 5 năm qua, Huyện hội đã vận động ủng hộ trên 2,2 tỷ đồng, tổ chức thăm và tặng 2.752 suất quà trị giá trên 800 triệu đồng cho NNCĐDC. Bắt đầu từ năm 2012, Huyện hội phối hợp với Hội Bảo trợ Trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin (Cộng hòa Pháp) hỗ trợ nuôi dưỡng thường xuyên nạn nhân chất độc da cam là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ xây dựng mới 5 căn nhà (diện tích 45-50 m2/căn) cho các gia đình nạn nhân với tổng trị giá 315 triệu đồng. Đặc biệt, Huyện hội triển khai chương trình “Hỗ trợ giải quyết việc làm để cải thiện đời sống, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NNCĐDC tại gia đình và cộng đồng”, qua đó đã hỗ trợ vay vốn sản xuất cho 85 gia đình NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 683 triệu đồng.
Theo Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh, thăm hỏi, động viên về tinh thần là việc làm thường xuyên. Tuy nhiên, hỗ trợ sinh kế để các gia đình nạn nhân phát triển bền vững mới là điều thiết thực và quan trọng nhất. “Trong 5 năm qua, các cấp Hội đã hỗ trợ cho NNCĐDC vay vốn sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ trên 1,3 tỷ đồng. Năm 2016, Tỉnh hội mua tặng 5 cặp bò cho gia đình NNCĐDC. Các hộ đều sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Thời gian tới, Tỉnh hội và các cấp Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ sinh kế để giúp các gia đình phát triển kinh tế bền vững”-bà HNgia chia sẻ.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm