Phóng sự - Ký sự

Quang gánh đời người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa sự hối hả của cuộc sống phố thị, đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp những người phụ nữ với đôi quang gánh nặng trĩu trên vai lặn lội mưu sinh khắp mọi cung đường, ngõ ngách. Đằng sau hình ảnh rất đỗi thân quen ấy là câu chuyện đời chứa đựng bao nỗi buồn vui.
1. “Ai... ăn tàu hũ không? Tàu hũ nóng hổi, ngọt ngon đây!”. Tiếng rao lanh lảnh của “bà Bốn tàu hũ” như đánh thức cả con hẻm Nguyễn Tất Thành (TP. Pleiku) trong một buổi trưa tháng bảy yên ả. Một vài người vội hé cửa ra để kịp đón mua chén tàu hũ thơm lừng từ đôi bàn tay gầy guộc của người phụ nữ quen thuộc.
Chọn một chỗ khuất nắng, bà Bốn ghé vai đặt gánh tàu hũ xuống. Mở nắp thùng giữ nhiệt, bà nhẹ nhàng dùng chiếc vá dẹt hớt từng lát tàu hũ mỏng cho vào cái tô nhỏ khách mới đưa. Phần tàu hũ ấm nóng hòa quyện với mùi thơm ngọt, beo béo của nước cốt dừa và nước đường thắng gừng tạo nên một hương vị thật khó lòng cưỡng lại.
“Bà Bốn tàu hũ” là biệt danh mọi người đặt cho, còn tên thật của bà là Võ Thị Kim Xuyến. Bà được sinh ra tại vùng quê nghèo Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Cha mất do bạo bệnh khi bà mới lên 2 tuổi. Một thời gian sau, mẹ bà đi bước nữa, rồi 5 người em lần lượt ra đời khiến gia cảnh thêm bộn bề khốn khó. Thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào nghề làm nón lá, song có thời điểm, công việc ấy chẳng thể lo nổi cho 10 miệng ăn.
Ngoài thời gian làm nón, bà Xuyến còn theo mẹ đi làm thuê khắp nơi để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Ở cái tuổi xuân xanh căng tràn, bà Xuyến vẫn chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Thương mẹ, thương em vất vả, bà ngó lơ hết thảy những lời yêu thương để rồi lỡ cả duyên phận cho tới giờ.
Bà Võ Thị Kim Xuyến với gánh tàu hũ trên vai trong một buổi trưa gay gắt nắng. Ảnh: Mộc Trà
Bà Võ Thị Kim Xuyến với gánh tàu hũ trên vai trong một buổi trưa gay gắt nắng. Ảnh: Mộc Trà
Năm 2005, với mong muốn tìm hướng thoát nghèo, bà Xuyến theo xe khách đi buôn nước mắm. Trong một lần dừng nghỉ tại Bến xe Đức Long Gia Lai và trò chuyện với một vài người dân bản địa, bà Xuyến nhận thấy đây là mảnh đất có thể giúp mình mưu sinh. Vậy là bà thuê một phòng trọ ở hẻm Chợ nhỏ (phường Hội Thương, TP. Pleiku) rồi hằng ngày quảy đôi quang gánh đi bán nước mắm.
Những chai nước mắm cá cơm Bình Định nguyên chất, đậm đà của bà được nhiều người dân rất ưa chuộng và đặt mua để dành sử dụng. Mỗi chuyến hàng sau, bà luôn phải nhập số lượng nhiều hơn chuyến trước mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu cho khách.
“Vậy mà làm ăn cũng chỉ được vỏn vẹn 3 năm. Thời gian sau đó, người ta bắt đầu chuyển sang ăn nước mắm đóng chai chứ không mua nước mắm tự ủ của tui nữa. Buôn bán dần ế ẩm. Tui rầu ruột quá nên trở về quê thăm nhà, may sao học được cách nấu tàu hũ của đứa em hàng xóm từng làm việc ở Sài Gòn. Vậy là tui lại khăn gói lên Gia Lai, thay gánh nước mắm bằng gánh tàu hũ, tiếp tục len lỏi khắp phố phường để bán. Nhờ trời thương, người mến nên tui duy trì được đến giờ này, mỗi tháng trừ chi phí cũng dư được 5-6 triệu đồng để gửi về quê lo cho mẹ già”-bà Xuyến tâm sự.
2. Nhiều năm qua, người dân Phố núi Pleiku không còn lạ lẫm với gánh rau nơi góc vỉa hè ngã ba đường Trần Phú-Thi Sách. Chỉ với vài bó rau muống, bồ ngót, cải, mồng tơi... kèm dăm loại củ quả, song đây vẫn là nơi nhiều người chọn ghé mua mỗi lần đến chợ. Gần trưa, chủ nhân của gánh rau-bà Nguyễn Thị Hy (72 tuổi, trú tại tổ 2, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) mới có chút thời gian rảnh rỗi để ăn bữa sáng. Hộp bánh ướt mua từ sớm đã nguội lạnh và khô cứng, thế nhưng bà vẫn ăn rất ngon lành.
Thấy tôi tiến đến gần, bà vội vàng đặt hộp thức ăn xuống chiếc sàng bên cạnh, nhanh nhảu hỏi: “Mua rau gì đấy cháu?”. “Cho cháu 1 bó rau ngót bà ạ!”-tôi đáp. Không kết thúc việc bán mua ở đó, tôi ngồi xuống lân la hỏi chuyện. Từ “tiểu sử” gánh rau, tôi biết thêm được câu chuyện cuộc đời khá thú vị của người phụ nữ gốc Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) này.
Cuộc đời bà Nguyễn Thị Hy gắn liền với đôi quang gánh từ những ngày hoạt động cách mạng cho đến tận bây giờ. Ảnh: Mộc Trà
Cuộc đời bà Nguyễn Thị Hy gắn liền với đôi quang gánh từ những ngày hoạt động cách mạng cho đến tận bây giờ. Ảnh: Mộc Trà
Sinh ra trong cảnh chiến tranh loạn lạc, từ nhỏ, bà Hy đã sục sôi tinh thần đấu tranh chống quân xâm lược như bao người con xứ Quảng khác. 15 tuổi, bà tham gia làm liên lạc, cùng với dân làng nuôi giấu cán bộ nằm vùng. Ban ngày, trong vai một người dân bình thường, bà gánh rau xuống chợ Tam Hiệp bán. Đêm về, bà lại bí mật hoạt động cách mạng. Đời bà bắt đầu gắn liền với đôi quang gánh từ dạo ấy.
Bà Hy hồi tưởng: “Những năm 1965-1968 là giai đoạn chiến tranh khá ác liệt. Cũng trong khoảng thời gian đó, tôi bị giặc bắt. Chúng trói tay chân tôi lại, đổ nước vôi vào miệng, đánh đập rất dã man. Tôi lịm đi, chúng lại tạt nước vào mặt cho tỉnh để tra khảo tiếp; không khảo được lại tiếp tục tra tấn. Cứ thế, tôi chịu đựng suốt 7 tháng. Chúng chẳng moi được thông tin nên buộc phải thả tôi ra. Trở về, tôi bắt liên lạc ngay với các đồng chí, đồng đội, cùng gánh rau của mình tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày giải phóng. Sau đó, tôi tham gia Ủy ban cách mạng lâm thời của xã Tam Hiệp, làm đại biểu HĐND xã được 2 nhiệm kỳ, công tác ở Chi hội Phụ nữ thôn... Với những đóng góp của mình, tôi vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba và nhiều phần thưởng cao quý khác”.
Năm 1980, nhận thấy trình độ học vấn của mình có hạn, không thể đảm trách tốt công việc nên bà Hy xin nghỉ. Theo lời thuyết phục của người em gái, bà cùng đứa con trai rời quê nhà lên Pleiku định cư (chồng bà đã qua đời năm 1970-N.V).
Vùng đất cao nguyên khi đó còn hoang sơ lắm. Sau chiến tranh, nền kinh tế của tỉnh vẫn chưa phục hồi, đói nghèo bủa vây lấy nhiều gia đình. Vốn quen với việc gánh gồng, bà Hy chọn nghề mua rau bán dạo để mưu sinh. Sáng sớm, bà quảy gánh xuống tận nhà vườn để chọn những bó rau, củ quả tươi xanh nhất rồi kiên nhẫn đi từng con hẻm mời khách mua.
“Một bó rau lúc bấy giờ giá chỉ 200 đồng. Ngày nào bán mà lời được 5.000 đồng là tôi mừng rớt nước mắt. Vậy mà nhờ không quản ngại khó khổ, mẹ con tôi sống tốt qua ngày với gánh rau đó. Thậm chí, tôi còn tích góp mua được căn nhà nhỏ với giá 1 chỉ vàng vào năm 1990 và lo cho con trai ăn học nên người. Hiện con tôi đang làm nhân viên công nghệ thông tin cho một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn TP. Pleiku”-bà Hy tự hào kể.
Một mình đau ốm, quang gánh bán rong nơi xứ người, đôi khi khiến bà Xuyến cảm thấy chạnh lòng. Ảnh: Hồng Thi
Một mình đau ốm, quang gánh bán rong nơi xứ người, đôi khi khiến bà Xuyến cảm thấy chạnh lòng. Ảnh: Hồng Thi
3. Tôi tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Hoa (trú tại tổ 5, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) trong một lần sang thăm nhà bạn. Bạn tôi là khách “ruột” của chị nên hễ có trái cây ngon, chị đều ghé sang mời mua. Năm nay, chị Hoa đã ngoài 40 tuổi nhưng trông khá trẻ, gương mặt cũng rất đôn hậu. Tôi hỏi sao không chở trái cây bằng xe đạp hay xe máy cho đỡ mệt thì chị cười hiền nói: “Chị cứ túc tắc gánh đi bộ bán vậy đó, khi nào mệt thì ngồi nghỉ, khỏe lại đi, riết quen em à! Hồi nhỏ, chị thường theo mẹ đi bán trái cây dạo nên gánh gồng rất thạo”.
Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, cứ 5 giờ sáng, chị Hoa đi bộ ra chợ đầu mối để mua lại trái cây từ nhà vườn mang lên, chất đầy 2 thúng nhỏ rồi gánh đi bán, khi nào hết hàng mới quay về. Trừ số vốn bỏ ra ban đầu, chị cũng kiếm được 100-300 ngàn đồng/ngày. Cộng với thu nhập từ công việc làm thuê của chồng, 2 con chị được ăn học đàng hoàng.
“Ngày trước, mình không có điều kiện để học hành nên giờ phải cố gắng lo cho các con. Hiện con gái đầu đang học đại học năm thứ 3, còn cậu con trai đang học lớp 11. Tụi nó thấy ba mẹ vất vả nên chăm ngoan lắm. Đây là niềm tự hào của một người mẹ chỉ biết buôn gánh bán bưng như tôi”-chị Hoa bộc bạch.
...Nhiều năm trôi qua, dù đôi lúc gối mỏi chân run, vai lưng đau nhức, song với bà Xuyến, bà Hy hay chị Hoa, đôi quang gánh đã trở thành người bạn tri kỷ, giúp họ vượt qua những tháng ngày khốn khó để chăm lo cho gia đình. Vì thế, họ chưa từng nghĩ rằng ngày nào đó mình sẽ xa rời nghề buôn gánh bán bưng để chuyển sang một công việc khác.
3 năm trước, bà Xuyến bỗng cảm thấy thắt lưng đau nhức dữ dội. Vội đi bệnh viện khám, bà bàng hoàng khi bác sĩ bảo mình bị gai cột sống do gánh nặng lâu ngày. “Bác sĩ dặn tôi tuyệt đối không được làm nữa nếu muốn bệnh tình thuyên giảm, nhưng tôi vẫn phải cố gắng vì mẹ già ở quê còn trông chờ vào tôi. Hơn nữa, tôi lại không chồng không con, bỏ nghề thì ai nuôi mình. Nhiều lúc trái gió trở trời đau ốm, nằm ở căn phòng trọ chật hẹp mà không khỏi rơm rớm nước mắt”-bà Xuyến nghẹn lòng.
Còn với bà Hy, 5 năm trở lại đây, tuổi già sức yếu khiến bà không thể quảy gánh rau đi bán như xưa nữa. Thế nhưng, bà vẫn chọn gắn bó với đôi quang gánh quen thuộc tại một góc đường. Chị Hoa cũng biết việc buôn bán của mình ngày một khó khăn hơn khi xu hướng tiêu dùng trái cây sạch, trái cây nhập khẩu đang chiếm lĩnh thị trường, nhưng chị vẫn quyết giữ chiếc đòn gánh trên vai rong ruổi khắp các tuyến phố. Không chỉ vì cơm áo, gạo tiền mà đơn giản với chị đây đã là một thói quen lâu năm khó bỏ.
Nhìn đôi quang gánh của những người phụ nữ tảo tần nơi phố thị, tôi lại chạnh lòng và quay quắt nhớ về hình ảnh của mẹ mình ngày trước. Chính tôi cũng đã từng lớn lên nhờ đôi quang gánh ấy, đúng như câu ca: “Mẹ đi quang gánh trên vai/Mẹ về gánh cả tương lai con về…”.
MỘC TRÀ 

Có thể bạn quan tâm