Quảng trường của nhân dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày trước lễ khánh thành “Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”, khi hàng rào cuối cùng ở hai phía Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) hạ xuống, nhiều người nán lại rất lâu để thoải mái chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc tại khu vực này. Ngỡ ngàng trước không gian xanh, hài hòa, xúc động với tượng Bác gần gũi vẫy chào là cảm xúc chung của rất nhiều người.

Đúng như điều mong đợi của các thành viên Hội đồng Nghệ thuật của công trình, quảng trường phải mang đến xúc cảm, sự gần gũi cho tất cả người dân. “Tôi biết có nhiều quảng trường rộng lớn ở Việt Nam, nhưng chủ yếu để phục vụ cho các sự kiện văn hóa, chính trị chứ không phải cho nhân dân. Riêng với kiến trúc hài hòa, thân thiện như ở Quảng trường Đại Đoàn Kết, tôi tin rằng, mọi người khi bước chân vào đây sẽ cảm nhận ngay sự gần gũi, thoải mái, coi đây là nơi dành cho họ chứ không phải chỉ để chiêm ngưỡng”-họa sĩ Trần Khánh Chương- Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, chia sẻ.

 

Toàn cảnh Quảng trường. Ảnh: Nguyễn Giác

“Trái tim” của Quảng trường

Tiến thẳng vào khu vực trung tâm Quảng trường là “Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”. Công trình giống như “trái tim” của Quảng trường khi tạo nên sự hài hòa tuyệt vời với cảnh quan xung quanh. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, cả nước hiện có trên 500 tượng đài nhưng chưa nơi nào có được không gian đẹp như không gian đặt Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ông nói: “Không gian là yếu tố quan trọng hàng đầu khi chọn để đặt tượng đài.

Vì thế, khi được chọn làm thành viên Hội đồng nghệ thuật của công trình, tôi đã để tâm ngay đến cảnh quan xung quanh. Khi chọn được vị trí đặt Tượng đài, tôi đề xuất với lãnh đạo tỉnh là dịch chuyển vị trí Quảng trường Đại Đoàn Kết một chút để hài hòa với tổng thể, đặc biệt là không để cây xanh nào bị đốn hạ trong quá trình xây dựng công trình. Vì thế mà hiện nay, ở cả hai phía ở quảng trường, có rất nhiều cổ thụ tỏa bóng mát. Chúng ta có thể xây dựng một công trình lớn trong vài năm nhưng phải mất hàng trăm năm mới có một cây cổ thụ như thế”.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng chia sẻ rằng, ông đặc biệt ghi nhận tinh thần cầu thị của lãnh đạo tỉnh, biết lắng nghe ý kiến của nhiều nhà chuyên môn để điều chỉnh từng chi tiết cho phù hợp. “Chúng tôi không quá câu nệ vào bản thiết kế mà xem cảnh quan thực tế để dựng tượng đài ăn nhập với cảnh quan xung quanh, để không phải phá đi bất cứ cây xanh nào, để mọi người đều có cảm giác như tự nó đã có, đã quen thuộc, gần gũi chứ không mang lại cảm giác cách biệt”-họa sĩ Trần Khánh Chương nói.

Tâm đắc và hài lòng với công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”, họa sĩ cho rằng, tượng đài là công trình nổi bật trong quần thể kiến trúc ở khu vực quảng trường. Các công trình riêng lẻ quanh khu vực này như tượng đài Anh hùng Núp, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng cổ vật, Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum… góp phần tôn vẻ đẹp và giá trị của tượng đài và ngược lại.

Ông khẳng định: “Nhiều người “hỏi khó” chúng tôi rằng: “Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” quá nổi bật có làm “lu mờ” các công trình xung quanh? Tôi khẳng định rằng, cái gì cũng nổi bật sẽ chẳng có gì nổi bật cả. Sự hiện diện của công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” không chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, xét về mặt kiến trúc, thẩm mỹ, còn mang đến cho TP. Pleiku công trình kiến trúc văn hóa có tầm vóc và đây sẽ là địa điểm thu hút du khách trong khu vực”.

Quảng trường mở…

Quảng trường Đại Đoàn Kết mang đặc trưng phong cách nghệ thuật đơn giản, gần gũi. Không gian tươi đẹp, đầy màu xanh, giàu sức sống. Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Tấn Vạn-Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, thành viên Hội đồng nghệ thuật chia sẻ: “Dạo bước vào quảng trường cho tôi cảm xúc thật mãnh liệt. Những cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, đài phun nước... được trồng và chăm sóc có sự chắt lọc, tính toán đến từng chi tiết.

Đặc biệt là sự thống nhất về phong cách nghệ thuật giữa hướng tượng, phù điêu, đài thạch, những cây trồng đặc trưng mang đến sự dễ chịu, thư thái. Người xem có thể thích thú với tổng thể hay tìm hiểu từng chi tiết đều thấy thú vị. Có thể nói quảng trường mang đậm đặc trưng, tinh thần và phong cách của Tây Nguyên. Dưới mỗi gốc cây có thể kể câu chuyện văn hóa, lịch sử. Những ai muốn biết hình dáng cây xà nu bất khuất, hoa pơ lang rạo rực thắp lửa mỗi mùa lễ hội hay cây kơ nia biểu trưng cho tính cách con người Tây Nguyên… ra sao, có thể thỏa mãn sự tò mò khi dạo quanh khu vực Quảng trường, nơi hội tụ những cây trồng đặc trưng không chỉ riêng của vùng đất Tây Nguyên.

Quảng trường Đại Đoàn kết được xây dựng không có khán đài. Theo các thành viên Hội đồng nghệ thuật, đây là quảng trường xây dựng cho nhân dân chứ không phải để mít tinh, để tổ chức các sự kiện chính trị, lễ hội văn hóa vài lần trong năm rồi đóng cửa. Đây là quảng trường dành cho tất cả mọi người, dạo bước tất cả những ngày trong năm. Và vì thế, đúng như tinh thần khi xây dựng quảng trường này, đó phải là quảng trường của nhân dân.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm