Thời sự - Bình luận

Quay clip học sinh đánh nhau để đưa lên mạng xã hội còn hơn cả bạo lực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một đoạn clip tung lên mạng xã hội ghi lại cảnh một nữ sinh bắt bạn quỳ giữa lớp rồi tát liên tiếp nhiều cái vào mặt bạn. Nữ sinh bị đánh chỉ biết quỳ gối chịu trận mà không dám phản kháng.
Nữ sinh bị đánh phải quỳ dưới đất và không dám phản kháng được đưa lên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip

Nữ sinh bị đánh phải quỳ dưới đất và không dám phản kháng được đưa lên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip

Trao đổi với phóng viên Lao Động, Hiệu trưởng Trường THCS số 1 Bắc Lý thành phố Đồng Hới, Quảng Bình cho biết, sự việc xảy ra vào thứ bảy, ngày 8.4. Tuy nhiên đến ngày 10.4, nhà trường mới nắm được thông tin.

Các vụ học sinh đánh hội đồng bạn học được quay clip và tung lên các nền tảng mạng xã hội xảy ra thường xuyên. Người xem clip bức xúc, phẫn nộ trước những học sinh đánh dã man bạn học, nhưng ít ai nghĩ đến, chính những em học sinh quay clip mới có "máu lạnh" hơn.

Thấy bạn bị đánh hội đồng, bị ức hiếp, bị tấn công một cách dã man, nhưng không vào can ngăn, không đi gọi người lớn can thiệp, mà thản nhiên dùng điện thoại ghi hình. Không máu lạnh thì là gì, càng nghĩ càng thấy đáng sợ.

Người xem clip học sinh bị đánh hội đồng, quá đau lòng không thể xem được, thế mà học sinh với nhau, có thể đứng yên khoanh tay nhìn bạn mình bị đánh, rồi còn quay clip tung lên mạng xã hội.

Ưa nổi tiếng trên mạng xã hội, thích câu view, đã khiến nhiều bạn trẻ bất chấp các giá trị đạo đức, không kể đúng sai, hay dở, chỉ làm sao đạt mục đích sống ảo của mình.

Nguy hiểm hơn, đó là những clip trên Facebook, Tik Tok, Youtube, lan truyền rất nhanh. Nhiều bạn trẻ thiếu bản lĩnh, bị ảnh hưởng bởi những clip có nội dung xấu, kích động, dẫn đến những việc làm sai trái.

Có một giai đoạn, một bộ phận giới trẻ chạy theo tung hô Khá "bảnh", Huấn "hoa hồng", Phúc "XO", là vì những nhân vật này tung các clip tự giới thiệu chân dung giang hồ anh chị của mình. Đến nỗi, khi Khá "bảnh" ra tòa, rất đông người bu theo tung hô thần tượng, xem Khá "bảnh" là người hùng.

Trong bài "Hệ luỵ từ những video xấu độc trên TikTok đối với giới trẻ" ngày 13.4, Báo Lao Động đưa ra nhiều dẫn chứng giới trẻ bị "lây nhiễm" những thói hư tật xấu được giới thiệu trên nền tảng này, và phân tích: "Do “tâm lý đám đông”, thông tin tiêu cực luôn được phát tán nhanh hơn và để lại hậu quả nặng nề. Thậm chí, thông tin càng xấu độc thì nhiều người lại cho rằng càng gần với đời sống và chân thực, nên càng hưởng ứng".

Trở lại những vụ học sinh đánh hội đồng bạn học, bạo lực học đường tăng cao, hãy tìm nguyên nhân.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ việc nhiều bạn trẻ muốn săn tìm clip, video độc đáo, giật gân để đưa lên mạng xã hội câu view, câu like. Bệnh mê nổi tiếng ảo lấn át hành động đúng đắn, đạo đức.

Mặt trái của chiếc điện thoại thông minh, mặt trái của các nền tảng xuyên biên giới rất rõ, các bậc phụ huynh tự biết để tìm cách bảo vệ con cái mình.

Có thể bạn quan tâm