Thời sự - Bình luận

Que thử nào cho đạo đức của những "con sâu"?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Theo báo cáo của sở Y Tế Hà Nội về scandal cắt đôi que thử HIV/Viên gan B tại bệnh viện Xanh Pôn, kết quả xét nghiệm bằng các que thử Combo được nhân viên khoa ghi khống thành 1.272 kết quả test vào sơ đồ Test HIV ½, trong khi thực tế chỉ kiểm chứng gần 80 test.

 

1.272 kết quả test đã được ghi khống vào sơ đồ Test HIV ½
1.272 kết quả test đã được ghi khống vào sơ đồ Test HIV ½



Theo Sở Y tế Hà Nội, việc có test HIV Combo tại Khoa Vi sinh y học của Bệnh viện Xanh Pôn là do bà Chu Thị Loan, Phó khoa, phụ trách Khoa Vi sinh y học nhận và chỉ đạo nhân viên trong khoa nhận test của chi nhánh Công ty Lục Tinh cung cấp với 40 test HIV Combo.

Nữ phó khoa đã phổ biến, chỉ đạo các nhân viên trong khoa thực hiện cắt dọc gần 40 test HIV Combo, chia test này làm đôi, để xét nghiệm kiểm chứng kết quả xét nghiệm với test HIV 1/2. Và sau đó, ghi khống thành 1.272 kết quả test vào sơ đồ Test HIV ½.

Với việc làm “sáng tạo” này, có thể có những bệnh nhân nhiễm HIV hoặc viêm gan B đã bị bỏ lọt. Không chỉ mất đi cơ hội điều trị kịp thời, mà còn có nguy cơ lây nhiễm cho người thân hay cộng đồng, nếu không được biết để điều trị”- nhận định của Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà.

Tuy không có bất cứ con số tiền bạc hay sự trục lợi nào được đưa ra trong kết luận, nhưng rất rõ ràng, đây là việc làm sai, quá sai, sai một cách khủng khiếp mà yếu tố vụ lợi hay tiền bạc phải được coi là một câu hỏi từ phía dư luận cần được trả lời.

Năm xưa, vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức gây ra những chuyện dở khóc dở cười khi kết quả cụ ông 98 tuổi bị đau bụng trùng với kết quả xét nghiệm thiếu nữ 12 bị viêm phổi. Khi ấy, 2.000 bệnh nhân hoang mang, cả xã hội rúng động và thanh danh của ngành y tế, của các từ mẫu chân chính bị ảnh hưởng nặng nề.

Và hôm nay, 1.272 xét nghiệm khống, với những bệnh nhân nguy cơ HIV/viêm gan B.

Sự hoang mang, và giận dữ của dư luận có lý của nó. Bởi thuốc men, vật tư y tế, là những gì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng người bệnh, liên quan đến hạnh phúc của hàng ngàn gia đình, thứ mà mỗi y bác sĩ trước khi bước ra khỏi trường y đều tuyên thệ sẽ bảo vệ.

Năm xưa, kết quả của gian dối là một phiên tòa. Một phiên tòa cần thiết để lấy lại thanh danh cho cả ngành y. Còn năm nay, hãy chờ xem chúng ta sẽ xử lý thế nào, khi mà người đứng đầu bệnh viện này vẫn thanh minh rằng chỉ là “thử nghiệm”.

Liệu có thử nghiệm nào có thể được tiến hành thiếu tính pháp lý, thiếu đạo đức trên sức khỏe và tính mạng người bệnh? Và dù hiện tượng trên chỉ đuọc coi là những “con sâu” trong ngành y nhưng chính những con sâu ấy lại đang làm vấy bẩn tấm áo blue?

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/que-thu-nao-cho-dao-duc-cua-nhung-con-sau-772957.ldo


Theo Anh Đào (Báo Lao Động)

Có thể bạn quan tâm