Thời sự - Bình luận

"Quốc hội chuyên trách và chuyên nghiệp"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội là một trong những yêu cầu bức thiết được đặt ra khi cả nước đang khẩn trương chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV sắp tới. Muốn vậy, cần phải nâng cao tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách để có một đội ngũ đại biểu chuyên tâm làm việc cho Quốc hội. Hoạt động nghị trường cũng sẽ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 2. Ảnh: Minh Nguyễn
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Ảnh: Minh Nguyễn

Chất lượng của đại biểu chuyên trách tác động đến chất lượng hoạt động Quốc hội. Đó là điều đã được khẳng định qua thực tiễn. Vì vậy, việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách là yêu cầu được đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách cần đi liền với những giải pháp nâng cao chất lượng đại biểu.

Ngoài tiêu chuẩn chung, đại biểu Quốc hội chuyên trách còn phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện như: trình độ đào tạo từ đại học trở lên; phải kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ giám đốc sở, ngành (ở địa phương). Ở trung ương, phải là người hoàn thành tốt nhiệm vụ ở cấp vụ trưởng, được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc quy hoạch chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên. Đây là vấn đề cần được nghiêm túc xem xét, nhất là khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần.

Là cơ quan quyền lực tối cao của đất nước, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của Nhân dân, Quốc hội phải đảm bảo một tỷ lệ nhất định các thành phần đại diện của xã hội. Thế nhưng nếu chỉ nặng về cơ cấu, chúng ta sẽ không có nhiều đại biểu Quốc hội làm việc chuyên nghiệp, lâu dài, có kinh nghiệm trong hoạt động lập pháp.

Tăng số lượng đại biểu chuyên trách để Quốc hội có nhiều “ông nghị”, “bà nghị” thực thụ, chuyên tâm làm nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của cử tri mà ít phải chịu sự chi phối của những vấn đề khác. Qua đó, sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động để Quốc hội xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Nhân dân.

Tư duy nhiệm kỳ cũng là yếu tố làm cho chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội không cao, cản trở nhiệt tình cống hiến, sự đeo bám đến cùng những vấn đề gai góc trong hoạt động nghị trường. Vì vậy, nâng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội, trong đó, dành 5% cho đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học cho thấy quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động để Quốc hội thực quyền hơn đã được sự nhất trí cao từ quan điểm lãnh đạo của Đảng đến ý thức tự nâng mình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà cử tri giao phó của Quốc hội. Đó là tinh thần xây dựng “Quốc hội chuyên trách và chuyên nghiệp”.

Đảm bảo tỷ lệ 40% đại biểu chuyên trách đủ năng lực, tài đức thực hiện trọn vẹn vai trò đại diện của dân tại Quốc hội khóa XV là yêu cầu và cũng là mong mỏi của cử tri. Quá trình lựa chọn không chỉ phụ thuộc vào sự sáng suốt của cử tri mà quy trình, cách thức tổ chức bầu cử, đảm bảo chặt chẽ, đúng luật cũng vô cùng quan trọng.

Vấn đề còn lại là cần tạo cơ chế khuyến khích, nâng tuổi đại biểu để thu hút đội ngũ trí thức, cán bộ lãnh đạo, chuyên gia có kinh nghiệm ở các bộ, ngành, địa phương đương chức hoặc đã nghỉ hưu ra ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhằm phát huy tối đa sự đóng góp của họ cho đất nước cũng là một cách cần phải tính đến.

 

 ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm