Thời sự - Bình luận

Quỹ phòng chống thiên tai- nên tiếp tục hay nên bỏ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quỹ phòng chống thiên tai: 6 năm thu 3.164 tỉ đồng, chi chỉ 1.500 tỉ. “Tồn dư” tới 1.684 tỉ. Có tới 7 địa phương chỉ thu chứ không chi dù chỉ 1 xu.
 

Qua 6 năm, có địa phương thì thu Quỹ phòng chống thiên tai, có địa phương thì không. Có tới 7 địa phương chỉ thu không chi.. Ảnh: Lê Phi Long
Qua 6 năm, có địa phương thì thu Quỹ phòng chống thiên tai, có địa phương thì không. Có tới 7 địa phương chỉ thu không chi.. Ảnh: Lê Phi Long


29 doanh nghiệp FDI trong một văn bản gửi tới Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã bày tỏ những lo ngại, khó khăn, vướng mắc khi phải thực hiện việc thu tiền từ người lao động về quỹ Phòng chống thiên tai (Quỹ PCTT)

Theo đó, ngoài việc phải nộp phần nghĩa vụ của doanh nghiệp, họ còn phải thu thêm phần nộp của người lao động. Trong khi Điều 102 của Bộ luật Lao động không cho phép doanh nghiệp khấu trừ lương của người lao động cho quỹ này. Doanh nghiệp cũng không thể thu tiền mặt trực tiếp từ cá nhân lao động, nhất là với các doanh nghiệp có lượng lao động lớn.

Còn nhớ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong văn bản gửi Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định: Nếu doanh nghiệp khấu trừ lương của người lao động (để nộp quỹ) thì sẽ là vi phạm Bộ luật Lao động và làm nảy sinh tranh chấp với người lao động.

VCCI dẫn thực tế nhiều nơi, người lao động đã có khiếu nại về vấn đề này, gây căng thẳng trong quan hệ lao động, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khi “nếu không khấu trừ tại nguồn thì doanh nghiệp lại phải bỏ tiền túi ra để nộp thay người lao động”.

Quy định “đá nhau”, khó khăn, vướng mắc trong việc hành thu quỹ này chỉ là một phần thôi.

Bởi thực tế, theo phản ánh của 29 doanh nghiệp, đang nảy sinh tình trạng “bất công bằng”. Cụ thể, nhiều người lao động đóng quỹ tại địa phương, hoặc ở công ty cũ- nhưng không có biên lai, nay lại đóng tiếp dẫn đến tình trạng đóng 2-3 lần quỹ. Chưa kể “chênh lệch đến 10 lần giữa việc đóng quỹ tại địa phương và tại doanh nghiệp”.

Cái quan trọng hơn, công khai minh bạch việc thu/chi quỹ hãn hữu đến mức coi như không.

Theo VCCI, chỉ có một địa phương (Bình Dương) có báo cáo chi tiết đến từng dự án/hoạt động sử dụng Quỹ để doanh nghiệp và người dân có thông tin để giám sát trên thực tế. Hai địa phương (Quảng Ninh và TP. HCM) có báo cáo về số tiền chi cho các quận, huyện, đơn vị trong tỉnh, nhưng không chi tiết từng hoạt động. Còn lại, tất cả các địa phương khác không có thông tin báo cáo về việc sử dụng quỹ.

6 năm, có địa phương thì thu, có địa phương thì không. Có tới 7 địa phương chỉ thu không chi.

Trong tổng quỹ thu được hơn 3.164 tỉ đồng, chỉ chi 1.500 tỉ, tức là bình quân mỗi năm, chỉ 250 tỉ được chi từ Quỹ này.

Có lẽ, việc bỏ thứ quỹ "tai ương" này - như VCCI từng đề nghị cần nghiêm túc xem xét.

Tiếc gì một thứ quỹ hiệu quả không đáng kể, trong khi vừa thiếu công bằng, vừa thiếu công khai minh bạch!

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/quy-phong-chong-thien-tai-nen-tiep-tuc-hay-nen-bo-877403.ldo

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm