Quyết liệt ngăn chặn dịch tả heo châu Phi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đến ngày 2-7, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 12 thôn, làng thuộc 4 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Thiện. Trước tình hình đó, chính quyền và ngành chuyên môn địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Bệnh lây lan nhanh 
Gia đình ông Phạm Văn Định ( Plei Tăng A, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) chăn nuôi heo đen giống địa phương theo quy mô trang trại với 160 con heo đen theo hình thức thả rông, kết hợp cho ăn thêm các loại cám, phụ phẩm nông nghiệp. Sáng sớm 13-6, đột nhiên có 1 con heo lăn ra chết, đến chiều có thêm 4 con heo khác cũng bỏ ăn rồi chết dần. Theo dõi trong vòng 1 tuần, thấy heo chết la liệt, ông Định vội vàng báo cáo chính quyền xã. Sau đó, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xuống kiểm tra, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và tiến hành tiêu hủy cả đàn heo. “Kết quả xét nghiệm cho thấy, đàn heo nhà tôi bị bệnh dịch tả heo châu Phi. Vậy là chính quyền xuống tổ chức tiêu hủy 103 con heo còn lại. Chỉ sau 1 tuần, cả trang trại heo chết sạch, không còn một con nào”-ông Định chua xót nói.
Rắc vôi bột trên các ngả đường vào ổ dịch tả heo châu Phi ở xã Ia Piar. Ảnh: Trần Đức
Rắc vôi bột trên các ngả đường vào ổ dịch tả heo châu Phi ở xã Ia Piar. Ảnh: Trần Đức
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện, toàn huyện có trên 23.700 con heo. Đến ngày 2-7, dịch tả heo châu Phi đã lây lan trên đàn heo của 18 hộ dân ở 12 thôn, làng thuộc 4 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Địa bàn đầu tiên xuất hiện dịch là xã Ia Ake và thị trấn Phú Thiện, sau đó là xã Ia Sol và Ia Piar. Tổng cộng có 171 con heo bị nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 3.734 kg. 
Trước tình hình dịch bệnh lây lan, ngày 20-6-2019, UBND huyện Phú Thiện đã có Quyết định số 544/QĐ-UBND về việc công bố dịch tả heo châu Phi trên địa bàn thị trấn Phú Thiện và xã Ia Ake, đồng thời triển khai các biện pháp cấp bách để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cấp 350 lít hóa chất, 10 bình phun hóa chất tự động và 5 tấn vôi bột cho 10 xã, thị trấn để phòng-chống dịch. Các xã, thị trấn có dịch cũng đã thành lập các tổ chống dịch lưu động để chốt chặn các ngả đường vào thôn, làng có ổ dịch để ngăn chặn người dân di chuyển heo bệnh ra khỏi địa bàn.
Nông dân chờ hỗ trợ       
Theo các hộ dân có heo bị dịch tả heo châu Phi, đến thời điểm này họ chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước. Ông Định bày tỏ: “Cả trang trại heo chờ đến Tết xuất bán cũng được ít nhất vài trăm triệu đồng, vậy mà giờ xóa sổ hoàn toàn. Cán bộ xã, huyện khi đến lập biên bản, thống kê để tiêu hủy cũng nói sẽ có hỗ trợ thiệt hại cho người dân, nhưng đến giờ chúng tôi vẫn chưa thấy”.
Còn ông Phạm Văn Quyến-Chủ tịch UBND xã Ia Sol thì cho biết: Trên địa bàn xã có 19 con heo của 7 hộ ở 5 thôn buộc phải tiêu hủy. Trước mắt, xã ứng kinh phí dự phòng triển khai công tác dập dịch, hỗ trợ xăng xe cho các đội phòng dịch lưu động ở các thôn, làng có dịch. “Riêng về vấn đề hỗ trợ cho các hộ có heo bị tiêu hủy thì chắc chắn là có, nhưng mức hỗ trợ như thế nào thì phải chờ quyết định của cấp trên”-ông Quyến nói.  
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Văn Vinh-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Thiện-cho hay: Trung tâm đang tham mưu UBND huyện xây dựng phương án hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi phải tiêu hủy theo Quyết định số 793/QĐ-TTg, ngày 27-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, người chăn nuôi cần yên tâm hợp tác với chính quyền trong việc phòng-chống dịch bệnh. Khi có heo bị bệnh, heo chết, người chăn nuôi phải báo ngay cho ngành chức năng để xử lý, tổ chức kiểm đếm, thống kê số lượng và tiêu hủy; đồng thời, triển khai các biện pháp khoanh vùng ổ dịch, tiêu độc khử trùng nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trên diện rộng, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi.
Trần Đức

Có thể bạn quan tâm