Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tăng cường tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN |
Đảng, Nhà nước, Quốc hội và cả hệ thống chính trị đã, đang nỗ lực đấu tranh không khoan nhượng với loại tội phạm này. Đồng thời với giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán một cách nhanh chóng, góp phần bảo đảm quyền con người là việc khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm mua bán người. Những biện pháp, giải pháp trước mắt, lâu dài và chiến lược đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi nạn mua bán người.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân
Với vai trò là Cơ quan Thường trực phòng, chống mua bán người của Bộ Quốc phòng, trong đợt cao điểm từ 1/7 đến 30/9/2023, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tham mưu Bộ Quốc phòng ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7” năm 2023 trong Quân đội với 5 nhóm giải pháp toàn diện, cụ thể, sát đúng với chỉ đạo của Chính phủ và diễn biến tình hình của loại tội phạm phi nhân tính này.
Đồng thời, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đấu tranh chống tội phạm mua bán người phù hợp với tình hình thực tiễn, tổ chức đánh giá tình hình hoạt động, thủ đoạn mới của các đường dây, ổ nhóm về tội phạm mua bán người.
Các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là nhóm có nguy cơ cao bị mua bán. Nội dung tuyên truyền tập trung vào phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm mua bán người và tội phạm “nguồn” của mua bán người.
Đợt cao điểm vừa qua, lực lượng đã phát hiện, xử lý 31 vụ với 62 đối tượng; giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ, bảo vệ và chuyển tuyến 141 nạn nhân, người nghi là nạn nhân mua bán người. Trong đó điển hình như Chuyên án LA623p do Bộ đội Biên phòng Long An đấu tranh truy xét các đối tượng trong đường dây mua bán người từ Việt Nam sang Campuchia; Chuyên án TN823p do Bộ đội Biên phòng Tây Ninh giải cứu nạn nhân trước khi bị bán sang Campuchia, truy bắt các đối tượng trong đường dây mua người.
Nhấn mạnh quyết tâm không để tội phạm mua bán người tiếp tục gây tội ác, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh, Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng cho hay: Để đấu tranh với tội phạm mua bán người, từ đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng cùng các lực lượng chức năng đứng chân trên địa bàn đang phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều kế hoạch nhằm tấn công, trấn áp loại tội phạm này.
Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm cùng với Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an đang tăng cường trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình, phối hợp tuần tra, kiểm soát biên giới, tập trung vào các khu vực trọng yếu, chủ động phát hiện, đấu tranh trấn áp. Hai bên tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người, tập trung nhóm có nguy cơ cao, quyết không để tội phạm mua bán người câu kết, hình thành đường dây hoạt động liên tỉnh, liên tuyến, liên quốc gia.
Hai lực lượng tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài trở về; tổ chức điều tra để tạo nguồn xác lập chuyên án chung đấu tranh, triệt phá các đường dây, băng nhóm tội phạm mua bán người. Hai bên phối hợp tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho các cán bộ trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm hình sự nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng, đặc biệt là lực lượng Công an cơ sở và các đồn Biên phòng tại các tuyến, địa bàn trọng điểm...
“Hai đơn vị đã thường xuyên tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, tập trung vào các khu vực trọng điểm, trọng yếu, các địa bàn, khu vực tuyển mộ, tập kết, vận chuyển, chuyển giao nạn nhân, chủ động phát hiện, đấu tranh, trấn áp quyết liệt, không để tội phạm mua bán người cấu kết, hình thành đường dây hoạt động liên tỉnh, liên tuyến, xuyên quốc gia, từ đó, giúp đề ra các phương án đấu tranh, triệt phá và điều tra, xử lý đạt hiệu quả cao nhất”, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cảnh nhấn mạnh.
Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, để tập trung đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người, đồng thời thực hiện cam kết, nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trước cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại nạn mua bán người, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một chủ trương mang tính chiến lược, hoạch định đồng bộ các giải pháp, huy động tổng lực sự tham gia của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương vào công tác phòng, chống mua bán người.
Bộ Công an với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và thường trực thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người đã tham mưu Ban Chỉ đạo 138/CP chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai nghiêm túc Quyết định số 193/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, tập trung vào các nhiệm vụ công tác lớn trọng tâm.
Bộ Công an đã phát huy vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 138 trong hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người…; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhóm nhiệm vụ, và tổ chức hiệu quả nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống mua bán người, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ "quyền con người", bảo vệ "an ninh con người" và đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
“Hằng năm, Bộ Công an đều mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1/7 đến ngày 30/9. Qua đó, đã triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm mua bán người và kịp thời truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các đối tượng trước pháp luật. Công tác xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cũng được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc lấy nạn nhân là trung tâm", Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Cùng với công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người của Công an, Bộ đội Biên phòng - hai lực lượng nòng cốt, các bộ, ban, ngành và các địa phương đang tập trung phối hợp, làm tốt công tác phòng ngừa, nhất là phòng ngừa xã hội, kết hợp chặt chẽ với phòng ngừa nghiệp vụ của các lực lượng chức năng, phát huy vai trò các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn cơ sở.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tuyên truyền pháp luật cho người dân trên địa bàn các xã biên giới. Ảnh: Hoài Nam/TTXVN |
Tăng cường hiệu quả bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân
Các thủ đoạn của nạn mua bán người - nhất là chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” nhưng thực chất là bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nguy hiểm đến tính mạng đã được “nhận diện”, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nhất là các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc.
Người dân đã được cơ quan chức năng khuyến cáo cần phải hết sức cảnh giác, nhất là những thanh niên đang độ tuổi lao động và có nhu cầu lao động, nếu muốn tìm việc làm ở nước ngoài thì nên liên hệ với các cơ quan, tổ chức được Nhà nước cấp phép để đảm bảo quyền lợi của mình, để được Nhà nước bảo hộ quyền công dân ở nước ngoài, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ và can thiệp nếu có hành vi ngược đãi hoặc tranh chấp hợp đồng lao động với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
Để tăng cường hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Trao đổi về vấn đề này, bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho hay: Sau hơn 1 năm triển khai có 41 tỉnh, thành phố đã ban hành quy chế, kế hoạch phối hợp. Các tỉnh, thành phố ban hành quy chế đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong nội bộ tỉnh, thành phố và với các ngành chức năng tỉnh, thành phố khác trong tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân; đặc biệt là tiếp nhận hỗ trợ người lao động từ Campuchia trở về.
“Tại Trung ương, các đơn vị đầu mối giúp việc cho Bộ cùng phối hợp chặt chẽ trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách như: cho ý kiến đối với hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), công tác chỉ đạo điểm phòng, chống mua bán người tại các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Hải Phòng, Cao Bằng, Hà Giang, Đồng Nai, Đắk Lắk”, bà Đàm Thị Minh Thu cho biết.
Ngày 25/11, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Chắc chắn đây sẽ là bước tiến giúp hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi trong đấu tranh phòng, chống mua bán người cũng như hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Đó cũng chính là sự thể hiện quyết tâm loại bỏ một vấn nạn nhức nhối, là sự khẳng định chủ trương bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.