(GLO)- Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3003/UBND-KT. Công văn nêu rõ: Theo thống kê, toàn tỉnh có 138 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã bỏ đi khỏi địa phương trên 2 năm, không còn thông tin về hộ vay, gây khó khăn trong công tác thu hồi, làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại các Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: L.T |
Để tập trung xử lý nợ rủi ro theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành liên quan, các hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, xác minh các trường hợp bỏ đi khỏi nơi cư trú. UBND cấp huyện chỉ đạo ngành, đơn vị chức năng và các Văn phòng Công chứng phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã thực hiện các thủ tục có liên quan đến việc thanh lý tài sản thế chấp của các hộ dân có vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ để thu hồi vốn cho Nhà nước. Những trường hợp hộ vay bỏ đi khỏi nơi cư trú 2 năm liền trở lên, không còn bất kỳ thông tin nào, không còn tài sản tại địa phương thì chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với các ngành có liên quan và Ngân hàng Chính sách xã hội lập hồ sơ đề nghị xử lý rủi ro theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành liên quan, các hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát từ khâu bình xét cho vay, thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn vay, hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn và việc sử dụng vốn của hộ vay, không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở, thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Lương Thanh