Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tổ chức 4 phiên đấu thầu vàng thì hết 3 phiên bị hủy vì không đủ đơn vị đăng ký dự thầu, một phiên ế ẩm. Tình hình này khiến thị trường và cả Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục tổ chức đấu thầu thì nguy cơ ế hoặc lại phải hủy hoàn toàn có thể xảy ra nếu vẫn giữ nguyên các quy định, điều kiện như hiện tại. Nhưng nếu ngưng thì chưa đạt mục tiêu "tăng cung, kéo giá vàng trong nước về sát giá vàng thế giới" như yêu cầu của Chính phủ, nghĩa là thừa nhận giải pháp này không hiệu quả, nói chính xác là thất bại. Chúng ta đều thấy sau các phiên đấu thầu, cung không tăng, giá vàng miếng SJC không những không được kéo xuống mà còn leo lên mức đắt đỏ nhất từ trước tới nay. Chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới cũng được nới rộng hơn, đang ở mức 15 triệu đồng/lượng và nếu còn tiếp tục đấu thầu - hủy thầu thì rất có thể khoảng cách này sẽ tiến lên mốc 18 - 20 triệu đồng như đã từng xảy ra.
Tất nhiên, không phải chỉ có 2 lựa chọn, tiếp tục hoặc ngưng mà còn có lựa chọn thứ ba, đó là tổ chức đấu thầu vàng với những yêu cầu, điều kiện, giá... phù hợp với bối cảnh thị trường và mục tiêu của nhà nước. Đầu tiên là giá, cũng là vấn đề gây tranh cãi nhất ở các phiên đấu thầu vàng của NHNN hiện nay. Đấu thầu để kéo giá xuống nhưng giá sàn cả 4 phiên đều ngang hoặc cao hơn thị trường nên điều tất yếu sau mỗi phiên là giá vàng miếng SJC được đẩy lên. Vậy nếu NHNN thực sự muốn kéo giá xuống thì chỉ cần điều chỉnh giá đấu thầu thấp hơn thị trường. Mức giá này cũng phải tính toán đến việc doanh nghiệp trúng thầu còn cộng thêm chi phí, lợi nhuận rồi mới ra giá bán. Thứ hai là chia nhỏ khối lượng vàng đặt thầu tối thiểu để giảm rủi ro và thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia. Khối lượng tối thiểu 1.400 lượng, trị giá quy đổi lên đến hàng trăm tỉ đồng hiện nay được đánh giá là quá lớn, không phải đơn vị nào cũng sẵn tiền trả. Quan trọng hơn, giá vàng biến động liên tục, khó lường, phụ thuộc rất nhiều yếu tố trong nước lẫn thế giới, kinh tế lẫn chính trị... nên "ôm" lượng hàng khủng lúc này chắc chắn "đau tim". Mà "đau tim" thì không ai muốn nên mới không đủ đơn vị tham gia, dẫn đến phải hủy đấu thầu. Ở đợt đấu thầu hơn 11 năm trước, khối lượng tối thiểu chỉ 500 lượng, đây cũng là con số mà các chuyên gia kiến nghị áp dụng cho đợt đấu thầu này, NHNN có thể tham khảo áp dụng.
Cũng phải nhắc lại rằng đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, giải pháp căn cốt cho các vấn đề của thị trường vàng vẫn là sửa đổi Nghị định 24 với quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, độc quyền nhập khẩu nguyên liệu vàng của NHNN. Nói đơn giản là trả vàng về cho thị trường vận hành chứ NHNN là cơ quan quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ, không nên trực tiếp gánh trách nhiệm cân bằng cung-cầu thông qua xuất-nhập khẩu và điều tiết thị trường vàng. Chuyện này, Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc nhiều lần, NHNN cũng thống nhất, chỉ có điều không hiểu vì sao cứ trì hoãn mãi chưa thực hiện.
Trở lại với đấu thầu vàng, dù là giải pháp tình thế thì cũng không thể duy trì tình trạng từ ế đến hủy như nói trên vì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị tổ chức, hiệu quả của chính sách nhà nước và niềm tin thị trường.
Vàng cần một quyết sách mạnh mẽ để ổn định tạm thời và một giải pháp căn cơ để thị trường phát triển bền vững trong tương lai.