Rắc rối chuyện phân chia tài sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Hạnh phúc là gì bản thân tôi đã tự cật vấn khi đã bước sang tuổi xưa nay hiếm. Sự bất hòa của các con là nỗi đau của cha mẹ. Không ít lần tôi cảm thấy buồn phiền từ chuyện đất đai mà một đời chắt chiu rồi sau này cũng để lại cho chúng. Không lẽ tôi bán hết để chia phần khi ở tuổi già bóng xế”-ông A. chia sẻ nỗi niềm.
Ông A. ở tổ 4, phường Thống Nhất, TP. Pleiku. Ông có 5 người con (4 trai, 1 gái). 4 anh chị lớn đều yên bề gia thất, người con út vướng vào lao lý. Gia cảnh ông A. cũng không khá giả gì. Bước vào tuổi xế chiều, vợ chồng ông cũng tích góp được chút tài sản là căn nhà cấp 4 trên lô đất khá rộng. Người con trai cả được ông chia phần đất nơi góc vườn để xây căn nhà cấp 4. Hai cậu em trai kế lập gia đình ra riêng cũng xây nhà ổn định thuộc phường khác trên địa bàn TP. Pleiku. Lúc rảnh rỗi, họ đưa các cháu về thăm chơi hoặc nhờ ông bà trông hộ.
Thế mà cũng không ít lần “có chuyện” khi “chén chú, chén anh”. Nghe ra thì ai cũng hiểu từ chuyện người anh trai ở với ông bà nên được cho phần đất, còn người em ra riêng nghĩ rằng mình không có chút gì. “Mà có phải như vậy đâu chú, tôi đã giải thích đứa nào về ở với tôi thì tôi phân cho một góc vườn để xây nhà. Còn cho thì tôi không cho. Đất vẫn đứng tên tôi. Đứa nào đi thì tự... dỡ nhà đi”-ông A. giải thích. “Sao chú không phân chia rạch ròi, ở thì có nhà, đi thì dỡ nhà. Điều này cũng khó xử cho người anh khi ở với chú. Cần vốn cho công việc gì thì người anh cũng không thể thế chấp căn nhà cho ngân hàng để vay được ?”-tôi hỏi. Nhưng ông A. vẫn cương quyết vì sợ người anh sẽ bán đất, bán nhà. Ngược lại, trong mắt người em thứ hai hoàn toàn không phải vậy mà đó là cha mình đã chia phần cho anh trong khi mình không được gì. Cũng vì không thấu đáo nên nhiều lúc mọi người chứng kiến hai anh em cãi vã, đánh nhau mỗi khi “trà dư, tửu hậu”. Mỗi lần như thế, ông A. lại nghĩ đến chuyện bán quách hết đất đai nhà cửa để anh em chúng không còn dòm ngó. “Nhưng bán đi, tiền giữ một thời gian rồi sẽ hết. Tay trắng rồi lại trắng tay. Nhưng mà tụi nó cứ như thế này tôi quá mệt mỏi. Tôi mà nhắm mắt trước vợ tôi rồi sẽ ra sao đây”-ông A. ưu tư. Và ông kể cho tôi biết: “Vợ chồng thằng em dù không ở chung với tôi nhưng khi bố mẹ vợ cho chúng đất làm nhà, tôi cũng xoay xở cho chúng gần 100 triệu đồng chứ ít gì. Thế mà lâu lâu nó cứ nghĩ tôi chỉ quan tâm đến anh trai nó”.
Gia đình đoàn kết, yêu thương nhau thì tài sản của cha mẹ chỉ là hương hoa. Nhưng với không ít gia đình, cha mẹ lại muộn phiền khi về già cũng chỉ vì một chút tài sản. Không ít người lâm vào cảnh lao đao, buồn phiền, hiu quạnh cũng quanh chuyện phân chia tài sản cho con. Đối với ông A, các con ông tuy là lao động phổ thông nhưng không đến nỗi vất vả lắm. “Bình thường chúng không đặt vấn đề này nhiều, nhưng mỗi lần cùng ngồi uống rượu với nhau thì y rằng có chuyện”-ông A. bỏ lửng câu nói.
Dù không đúng hoặc chưa thỏa đáng trong cách phân xử của cha mẹ, nhưng anh em ruột thịt mượn rượu để rồi bất hòa, mất đoàn kết thì cũng sinh lắm muộn phiền cho đấng sinh thành khi về già và hơn nữa là gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương.
HUỲNH LÊ

Có thể bạn quan tâm