Rất ít doanh nghiệp tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ các ngày 12 đến 17-4, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tìm hiểu tình hình triển khai tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc ở một số doanh nghiệp trong dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su trên địa bàn 7 huyện: Chư Prông, Chư Pưh, Đức Cơ, Đak Đoa, Ia Grai, Mang Yang và Ia Pa.
 

Ảnh: Đinh Yến

Tại các nơi kiểm tra, các đơn vị đã báo cáo tình hình tuyển dụng lao động là đồng bào dân tộc thiểu số (gọi chung là lao động địa phương). Theo đó, trong hơn 20 doanh nghiệp đang triển khai dự án trồng cao su thì chỉ có một số doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Binh đoàn 15 là có tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc thường xuyên, quan tâm đầy đủ các chế độ, quyền lợi cho người lao động, còn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh không tuyển dụng lao động địa phương chỉ thuê lao động làm thời vụ.

Nguyên nhân, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đưa ra là do khó tuyển lao động địa phương, làm việc không hiệu quả. Mặt khác, các doanh nghiệp này cũng cho rằng cao su đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản nên chỉ có nhu cầu thuê lao động thời vụ. Trong khi đó, chủ trương của tỉnh khi triển khai thực hiện chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên hàng đầu tuyển dụng lao động địa phương vào làm việc.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm