Rau vườn "dạo" phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Pleiku những sớm mai, yên bình và trong trẻo. Hòa trong nhịp sống phố thị rộn ràng, đây đó trên những tuyến phố ta vẫn bắt gặp những dáng vẻ tảo tần của các chị, các mẹ cặm cụi rảo bước, trên vai trĩu nặng gùi rau, trên tay lại đa dạng những nguồn hàng hóa khác, tất cả là hoa trái vườn nhà, là cá tôm vừa tìm dưới suối. Họ đến từ các làng ven phố, sáng sáng thu hái rau vườn, cùng với mớ tôm, mớ cá đồng vừa bắt được chiều qua, ngày cách ngày lại dạo quanh phố phường để bán.

Gặp nhau ngay trên đường Lê Duẩn, thấy tôi dừng xe chỉ vào gùi rau, hai mẹ con chị H’Che (làng Ngo, phường Trà Bá) nhận ra khách hàng quen thuộc vội dừng bước, tươi cười: “Có 2 bó dền đỏ, có cả tép đồng nữa, mua không”. Tôi cũng cười: “Chị có rau gì thì em mua mỗi thứ một bó, mà bán thế nào”. “Rau dền 4.000 đồng một bó, xà lách 5.000 đồng một dây, tép đồng thì 15.000 đồng một lạng, mua nhé”. “Chị bỏ vào bì ni lông cho em, mà hôm nay con bé lại đi gùi rau giúp mẹ à, thế hôm nay tính đi những phố nào”. Như chợt nhận ra hôm nay người khách hàng của mình bắt chuyện nhiều hơn mọi lần mua rau trước đó, chị H’Che bất chợt ngẩng lên nhìn tôi, nở một nụ cười thân thiện: “Ừ, nó được nghỉ sau khi thi học kỳ nên đi cùng, hai mẹ con định dạo quanh đường Lê Duẩn tới Hùng Vương và một vài ngõ nhỏ, trưa trưa thì quay về chợ Phù Đổng”.

 

Hàng ngày, mẹ con chị H’Che vẫn bán hàng trên phố để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ảnh: T.B

Trò chuyện thêm, tôi được biết, nhà chị H’Che trồng khoảng 5 sào rau, mùa nào thức ấy và chị vẫn chọn cách đi dạo quanh các con phố để bán hàng. Cùng với rau vườn là mớ tôm tép, cá vụn, lươn, cua đồng…-gồm tất cả những thức chị bắt được ở ruộng chiều hôm trước cũng được đem đi bán, với mong muốn kiếm thêm được chút tiền để chăm lo cuộc sống gia đình. “Nhà mình có 5 đứa nhỏ, đang đi học nên cuộc sống còn khó khăn lắm, tiền bán rau, bán cá cũng không thể đủ đâu. Ở trong làng, cũng có nhiều người đi bán rau như mình, hai đứa H’Cheo, H’Chuk vừa đi trước mình một chút đó, chắc giờ gần tới chợ Phù Đổng rồi”-chị H’Che nói.

Theo lời chỉ dẫn của chị H’Che, tôi chạy xe vừa tới đầu đường Phù Đổng thì gặp 2 chị H’Cheo, H’Chuk đang đứng bán hàng cho khách. H’Cheo bán hoa cúc vạn thọ còn H’Chuk thì có một gùi đầy lá chè xanh cùng với vài bó đậu đũa và ít cá đồng. Cả hai bán cũng đã vãn hàng. Thấy tôi vừa hỏi mua hoa, vừa hỏi thêm chuyện gia đình, lại đề nghị được chụp hình các chị thì H’Chuk cười và hỏi lại: “Là nhà báo à, chụp ảnh rồi cho mình một tấm được không”. Thấy tôi gật đầu, cả H’Chuk và H’Cheo đều rất vui, chuyện trò vui vẻ, đến độ bà Ba-người bán vé số ở gần đấy cũng chạy lại góp vui. Sau khi mua một bó chè xanh, bà Ba quay sang tôi nói: “Tôi ngồi ở đây cả ngày, hay mua rau, mua cá của họ lắm đó, rau củ rất tươi ngon mà giá cả lại phải chăng”.


Dẫu là những hình ảnh thường thấy trong cuộc sống hàng ngày, nhưng những người phụ nữ tảo tần, hàng ngày đi bán rau, bán cá quanh phố để chăm lo cho cuộc sống gia đình vẫn luôn để lại trong mỗi chúng ta sự mến thương, đồng cảm. Còn tôi, tôi lại bắt gặp thêm một “hình ảnh khác biệt” nữa về những người chuyên bán rau trái vườn nhà trong những lần vãn phố. Đó là hình ảnh về một con người tuổi đã ngoài 80 vẫn ngày lại ngày đạp những vòng quay chậm chạp trên chiếc xe đạp cũ mèng bán từng nải chuối-sản phẩm của vườn nhà để có thêm tiền thuốc thang cho vợ.

Ông là Ngô Văn Chi (ở tổ 4, phường Hội Phú). Nhà có 2 sào vườn trồng chuối; con cái đi làm xa, vợ thì đau yếu quanh năm nên cứ đến kỳ thu hoạch, ông Chi lại túc tắc cắt chuối, cho lên xe đạp chạy vòng quanh phố để bán. Mới hôm qua đây, thấy tôi định mua hết cả chỗ chuối có trong giỏ để ông có thêm thời gian chuyện trò với mình, ông Chi lại cười: “Cảm ơn lòng tốt của con nhưng chuối này ông còn đem bán cho mấy người nữa, đã hẹn trước rồi. Con thương ông bà thì lâu lâu mua giùm một nhánh nhé, cứ vài ngày ông lại đi qua đường này…”.

Thái Bình

Có thể bạn quan tâm