Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyên cho biết: Thời trẻ, bà đắm mình với những khúc dân ca của các bà, mẹ trong những đêm trăng thanh gió mát hay dịp lễ hội của làng. Bà cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi tìm đến nhà của người già trong làng, trong xã để nghe và sưu tầm các bài dân ca. Thấy bà Nguyên đam mê hát dân ca, người già đã tận tình chỉ dạy cách hát sao cho hay và đúng với làn điệu truyền thống. Trải qua thời gian, nhờ chăm chỉ tập luyện cùng sở hữu giọng ca trong trẻo, bà nhận được lời ngợi khen của bao người. Từ đó, bà tham gia vào đội văn nghệ của địa phương để đi biểu diễn ở nhiều nơi.
Theo bà Nguyên, nội dung dân ca Jrai thường phản ánh đời sống, tâm tư và tình cảm của cộng đồng và chứa những nỗi niềm, khát vọng, ước mơ của con người. Dân ca còn là phương tiện truyền tải kinh nghiệm sống, bày tỏ quan hệ giữa con người với cộng đồng. Ngoài tôn cao cái đẹp, dân ca Jrai còn có nhiều bài phê phán cái tiêu cực trong đời sống cộng đồng, giúp con người sống tốt đẹp hơn.
"Năm 18 tuổi, tôi tham gia vào đội văn nghệ của địa phương. Các bài dân ca người Jrai có nhiều nội dung ý nghĩa về cuộc sống. Tùy thuộc vào thời điểm, hoàn cảnh, dân ca có thể hát kết hợp với đàn goong, cồng chiêng hoặc hát chay. Hiện nay, tôi thuộc hơn rất nhiều bài dân ca Jrai với các thể loại như: giao duyên, hát ru. Trong đó, bài hát “Lu ană pit" (ru con ngủ) là bài tôi thích nhất. Tôi từng đi tỉnh Phú Yên và Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội để biểu diễn dân ca cho mọi người. Mới đây, vào tháng 11-2023, tôi cùng đoàn của xã Ia Phí biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca tại Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya năm 2023. Khi dân làng mời hát tại các lễ hội, đám cưới, tân gia thì tôi sắp xếp thời gian đem lời ca của mình đến mọi người thưởng thức”-bà Nguyên bộc bạch.
Ông Rơ Châm Voh-Trưởng thôn Kte chia sẻ: Làng có 133 hộ, 557 khẩu với 100% là người Jrai. Thời trước, trong làng có nhiều người biết hát dân ca, nhưng hiện tại số lượng biết hát và lưu giữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay, vào các dịp đám cưới, tân gia người dân chủ yếu sử dụng nhạc trẻ nên dân ca Jrai ngày càng mai một và bị giới trẻ lãng quên theo nhịp sống hiện đại. Do đó, việc bà Nguyên còn lưu giữ âm nhạc của dân tộc mình nên chúng tôi rất trân trọng, quý mến.
Trao đổi với P.V, bà Rơ Châm Ayen-Công chức Văn hóa-Thông tin xã Ia Phí cho hay: Trên địa bàn xã Ia Phí, bà Rơ Châm Nguyên là người biết hát và lưu giữ bài dân ca Jrai nhiều nhất. Bà cũng là thành viên đoàn văn nghệ của xã đi biểu diễn tại các sự kiện văn hóa do địa phương tổ chức. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân trên địa bàn phải giữ gìn, phát huy tốt văn hóa truyền thống nói chung và dân ca Jrai nói riêng.