Rộn rã điệu lân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trời vừa trở tối, tiếng trống thì thùng đã vang lên đầy háo hức, rộn ràng ngập khắp phố phường. Các đội lân đang đua nhau luyện tập trong giai đoạn “nước rút”, khi “mùa” biểu diễn sắp đến hồi bắt đầu.

Hăng say trước “giờ G”

Theo thông lệ, cứ từ mùng 10-8 Âm lịch, các đội lân vào “mùa”, tham gia biểu diễn theo hợp đồng cho các cơ quan, đơn vị hoặc biểu diễn phục vụ gia đình. Do vậy mới giữa tháng 7 Âm lịch, các đội lân đã bắt đầu chương trình tập luyện rất công phu và hăng say.

Có mặt tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai vào một buổi tối được chứng kiến các thành viên đội lân sư-đoàn nghệ thuật lân sư 65 luyện tập. Tại đây, các thành viên đều luyện tập say sưa, với tinh thần nghiêm túc bởi chỉ còn ít ngày nữa, cuộc thi biểu diễn múa lân toàn thành phố sẽ diễn ra.
 

Cái khó là người múa phải làm sao thể hiện được cảm xúc và hành động của con lân tới người xem. Ảnh: Lê Hòa

Trong đội, Lâm Chí Toàn là thành viên bé nhất đội, mới 10 tuổi nhưng hai năm nay em đã tham gia cùng các anh trong đội lân với vị trí của một tay trống. “Toàn còn nhỏ nhưng rất có khiếu đánh trống, với lại dáng vẻ mập mạp, mũm mĩm của Toàn làm người xem rất thích, chúng em đã rủ Toàn vào đội và đào tạo cho em ấy”-Trương Đình Hoàng-đội trưởng đội lân sư 65, kể lại.

Hoàng chia sẻ: “Múa lân khó nhất là tập nâng được đầu lân lên cao. Ngoài sức khỏe dẻo dai, người múa phải có kỹ thuật nhất định để làm sao khi mang một khối lượng nhất định lại phải thực hiện các động tác cho có hồn, thể hiện được cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố hay thể hiện được trạng thái ngủ, nghỉ, ăn, rình mồi… của con lân và cuốn hút người xem vào thông điệp cảm xúc đó”.

Trên vỉa hè ngay sát Trường THPT Lê Lợi, một đội lân khác cũng đang tập luyện hăng say không kém. La Chi Quý-đội trưởng đội lân đang hướng dẫn các thành viên thực hiện động tác lân nhảy lên đùi. Động tác này tuy chỉ là động tác cơ bản song cũng đã lấy của các thành viên không ít giọt mồ hôi. “Mỗi buổi kết thúc luyện tập, ai nấy cũng đều mệt nhoài nhưng vui lắm!”-Quý cười tươi nói.

Con số các đội lân hiện có trên địa bàn TP. Pleiku cũng đã lên tới vài chục đội. Có những đội được đầu tư bài bản với sự tham gia của vài chục thành viên, vốn đầu tư đạo cụ, trang phục lên tới vài chục triệu đồng; những đội nhỏ thường có vốn chừng trên chục triệu. Trước sức ép bởi sự gia tăng rầm rộ của các đội lân, sức cạnh tranh ngày càng lớn khiến đội nào cũng cố gắng luyện tập để có được những màn biểu diễn đẹp mắt, ấn tượng nhất.

Một nét đẹp văn hóa

Múa lân là môn nghệ thuật được du nhập từ Trung Hoa xưa. Qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, với sự chọn lọc và giao lưu văn hóa, múa lân đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của trẻ em mỗi dịp Tết Trung thu. “Tết Trung thu mà không có múa lân thì buồn lắm! Em chờ đón nhất là được ăn bánh Trung thu và xem múa lân”-em Phạm Văn Hùng, học sinh Trường Tiểu học Ngô Mây (phường Trà Bá-TP. Pleiku), chia sẻ.

Trương Đình Hoàng -đội trưởng đội lân sư 65, cho biết: Đội lân hiện có 26 thành viên, thành lập được tròn 3 năm. Ban đầu thì chỉ có trên chục bạn tham gia, sau đó tăng lên dần dần. Trường chia sẻ, em đến với múa lân là do mê từ bé. Đội lân sư của Trường đã hai năm liền giành ngôi vị quán quân trong hội thi múa lân do Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức. “Để học được môn nghệ thuật này ngoài sự yêu thích còn phải kiên trì tập luyện, thậm chí là còn phải đối mặt với những tai nạn có thể xảy ra, đặc biệt là ở vị trí đầu lân. Sức khỏe và sự khéo léo là 2 yếu tố quan trọng của một người múa lân”-Hoàng chia sẻ kinh nghiệm.
 

Đội lân sư 65 trong một buổi luyện tập. Ảnh: Lê Hòa

Dân gian quan niệm rằng, khi lân đến nhà là đem lại may mắn, tài lộc cho gia chủ. Chính bởi vậy, với nhiều gia đình-đặc biệt là các gia đình làm nghề kinh doanh rất thích có lân ghé vào nhà để lấy may. Mỗi đội lân sau khi biểu diễn cũng đều được gia chủ lì xì lại chút lộc. Chính bởi thế, việc múa lân trong các dịp lễ Tết cũng đem lại thu nhập khá cao cho các thành viên. “Mọi năm chúng em thường hợp đồng biểu diễn với mức giá khoảng 1 đến 3 triệu đồng/lần biểu diễn, năm nay mức giá này sẽ cao hơn chút ít do chi phí đầu tư đạo cụ, trang phục tăng cao. Còn ở các gia đình thì tùy tâm”-Hoàng cho biết.

Từ năm 2011 đến nay, nhằm tạo ra sân chơi cho các đội lân, Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai đã liên tục tổ chức nhiều hội thi vào dịp Tết Trung thu hàng năm. “Cái khó là loại hình nghệ thuật này ở Gia Lai mới chỉ phát triển mạnh về số lượng, còn chất lượng thực ra vẫn còn rất hạn chế. Hội thi nhằm mục đích nâng cao hơn nữa chất lượng loại hình nghệ thuật này. Hoạt động này cũng rất được các đội lân cũng như người dân nhiệt tình ủng hộ, vậy nên gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống này cũng là điều nên làm”-chị Lê thị Hà-Giám đốc Nhà Thiếu nhi Gia Lai, cho biết.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm