Tết Việt

Rộn ràng phố thư pháp vào Xuân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không khí tết đã rộn ràng khắp nơi, trong những con phố cổ, những địa danh linh thiêng ở Hà thành lại xuất hiện hình ảnh “thầy đồ” khăn xếp, áo dài chỉnh tề say mê ngồi viết thư pháp, tạo nên nét đẹp cổ kính, trầm mặc cho thủ đô ngàn năm tuổi đang háo hức chào Xuân.

Việc xin chữ, cho chữ của nhiều người nhân những ngày vui, ngày lễ tết với mong muốn có được những điều tốt đẹp tới cho người xin chữ và gia đình họ. Những bức thư pháp ấy sẽ được treo một nơi trang trọng nhất trong nhà như một sự may mắn, sự tự hào của gia chủ.

 

Thầy đồ say mê theo những nét bút.

Những bức thư pháp tung bay theo lối thảo, lệ, hành, thiện, chân không chỉ thể hiện được nhân cách của người viết mà còn để gửi gắm những tâm tình, khát vọng và nhân cách của con người nhận chữ.

Thư pháp đã đi vào văn thơ, tiềm thức của người Việt như trong bài thơ Ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua…

Đối với Hà Nội, một thành phố nổi tiếng với đền chùa miếu mạo và các di tích lịch sử văn hóa thì hình ảnh thầy đồ chỉnh tề áo dài ngồi ở góc phố cổ, các di tích văn hóa để viết thư pháp cũng đã tạo nên nét cổ kính, hào hoa hơn bao giờ hết cho thủ đô ngàn năm.

Khai bút ngày Xuân

10 năm trở lại đây, tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám đều tổ chức ngày hội khai bút thư pháp đầu xuân.

Năm nay, ngày hội thư pháp đã bắt đầu khai hội vào ngày 31-1 (Dương lịch), tuy nhiên phố thư pháp đã trở nên nhộn nhịp, người cho chữ, xin chữ cả một con phố dài, đem lại một luồng sinh khí mới đặc biệt, rộn ràng hơn, vui tươi hơn cho ngày tết đang đến gần.

Hà Nội nhiều năm gần đây, việc học thư pháp ngày một nhiều hơn, tạo nên sự ra đời của nhiều hội, nhóm thư pháp khá nổi tiếng thu hút nhiều thành phần và giới.

Nhóm thư pháp “già” thì nổi bật có: Cảo Thơm Thư Hiên, Nhân Mỹ học đường… Nhóm “trẻ” gồm thanh niên, học sinh, sinh viên thì có Nhị Thập Bát Tú. Rất nhiều nhóm thư pháp đã góp mặt tại phố thư pháp Văn Miếu phục vụ nhu cầu xin chữ của người dân Hà thành nhân dịp tết đến xuân về.

Không chỉ có người Việt mới thích xin chữ đầu xuân, thú chơi tao nhã này từ lâu cũng khiến những vị khách người nước ngoài thích thú khi sang du lịch và tìm hiểu đất nước, con người Việt. Theo những “thầy đồ” ở phố thư pháp Văn Miếu thì so với năm ngoái, năm nay người Tây đi xin chữ nhiều hơn.

Đối với những “thầy đồ” điều họ thích thú nhất là không chỉ được thể hiện tài hoa và nhân cách của mình qua những nét chữ rồng bay phượng múa mà còn được thể hiện tài am hiểu của mình qua việc giảng giải ý nghĩa của từng con chữ.

Điều đặc biệt tạo nên vẻ đẹp của của việc xin chữ và cho chữ ấy chính là cảnh người viết và người cho đều chăm chú và say mê theo từng nét bút…

Và tất nhiên, giữa những dòng xe tấp nập, vẻ đẹp xin chữ, cho chữ ngày xuân thật bình dị nhưng vô cùng cao quý ấy đã góp phần tạo ra nét văn hóa lịch lãm, hào hoa mà cổ kính của Thăng Long, Hà Nội mỗi dịp Tết đến Xuân về…

Theo Chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm