Rong ca tận cùng trời đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ông sửa lại miếng ván ngồi bằng gỗ, rồi đưa tay chỉnh cái amply bé con cho âm thanh vừa ý mình hơn. “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang…”. Rồi bài khác nữa lại vang lên, dù bài vừa kết thúc cũng như bao nhiêu bài trước trước đó nữa và muôn năm qua không hề có tiếng vỗ tay nào. Nhiệm vụ của ông là hát, như một sứ phận tự gánh vào.

Nắng chói chang đổ xuống khoảng đất trống ngoài chợ lồng. Giữa chợ búa mà sao hình ảnh đó cô tịnh quá. Chiếc ca nhựa đựng tiền ở tít chỗ kia lẻ loi. Tôi bước lại đảo mắt nhìn qua. Toàn những tờ bạc lẻ, tất cả đều nhàu.

Nhưng ông cho rằng mình không phải là ăn mày. Khi ai bảo ông là ăn mày, ông cho là họ xúc phạm âm nhạc và tâm hồn nghệ sĩ. Ông khuyên họ hãy công bằng, bình tâm và quan sát rõ cuộc đời. Tôi đã đi theo ông như thế từ 15 năm qua, cứ mỗi khi có nhu cầu đắm mình trong nhạc Boléro là tôi tìm theo ông để nghe. Dòng nhạc này phải nghe từ miệng những ca sĩ giang hồ như ông mới thấy hết cái vĩ đại của nó, dân gian đến tận cùng, “nông nghiệp” đến rễ đến sình, buồn vô biên,  thấu trời thấu đất.

 

Người “rong ca” Trương Đức Nghi. Ảnh: H.T

Ông cứ hát như thế kể từ năm 1995 đến giờ, mỗi ngày hát một trăm đến một trăm năm chục bài. Dĩ nhiên là nhạc của những ông hoàng viết Boléro Việt, từ Lam Phương, Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Châu Kỳ, Hồ Đình Phương, Nhật Ngân, Y Vân, Trúc Phương, Trường Sa đến Ngọc Sơn, Vinh Sử… Boléro là tâm hồn đơn giản của ông, gu nhạc của ông, nó chở tự tình tha nhân dân dã, chúng sinh bình thường. Nếu thành tâm với âm nhạc, tận hiến với âm nhạc thì ông là hiện thân đích thực, trọn vẹn chứ không phải các ca sĩ chờ tối về mới xuất hiện ở Sài Gòn, Hà Nội, ca một bài rồi biến đi ngay sau đó. Nếu được mời, ông sẽ lên sân khấu hát như người khác, nhưng người khác thì sống vạn kiếp nữa cũng không đủ nội lực và tự tin để ngồi xó chợ mà ca say nhẹ tênh như ông. Họ kiếm sống bằng âm nhạc, và ông cũng thế. Giá trị con người là ngang nhau, và không có không gian ca hát nào lớn hơn không gian ca hát nào, khi mà tiếng ca vang lên là để tìm đến nhân sinh, mang yêu thương về với đồng loại. Ông thề rằng, tiền là cái cần, nhưng “được hát”, “có người nghe mình ca” là điều sướng nhất.

*
Ông bảo đời ông là thế. Chỗ nào có chợ, có vùng quê là ông cứ đi. Trước khi “đỗ” ở chợ Tùng Nghĩa này (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), ông hát ở chợ Thạnh Mỹ bên Đơn Dương. Và trước khi ở chợ Thạnh Mỹ, ông hát qua chợ Ka Đô, rồi chợ Di Linh, Bảo Lâm, Lâm Hà, ngã ba Hòa Ninh. Những năm trước đó nữa là các chợ ở Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Gia Nghĩa, Biên Hòa… Nghĩa là ông hát từ đồng bằng duyên hải rồi leo lên đèo An Khê, đèo Phượng Hoàng, đèo Sông Pha, Dran trên cao nguyên. Dọc theo các quốc lộ 1A, 14, 19, 20, 26… đều từng vang tiếng ông ca.  Chợ thị xã An Khê xa lạ rồi cũng hóa quen, chợ Dran cô quạnh rồi đời rong ca ông cũng thấy ấm. Như ở vùng Gia Lai, nhiều bận nhớ những chợ quê núi xa ngái tận cực Bắc Tây Nguyên ấy, vì lâu ngày không trở lại, ông nhảy xe đò tìm về với nó để hát ít ngày rồi quay lại ngôi chợ mà ông xác định “hạ trại” lâu ở dưới duyên hải.

Ông để lại nhớ nhung cho biết bao nhiêu là chợ, khi ông đến và rồi bỗng một ngày rời đi, mang theo từ âm thanh đến hình bóng. Chợ búa nó cũng có tâm hồn, cuộc đời của nó, và ai bảo kiểu mưu sinh và hoạt động nghệ thuật “siêu dân gian” như ông không dễ tạo ra tâm hồn cho thực thể đó?

Những lần ông đi hát ở các công trình thủy điện ở Gia Lai, Đak Lak, Lâm Đồng, Đak Nông, những công nhân xa nhà sống trong lều ở giữa rừng quý ông vô cùng. Họ mời ông vô nhậu, họ đãi ông ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, ăn tối. Họ mời ông ngủ lại. Đó là mùa Tết về, khi ông ca bài “Xuân này con không về”, mấy cậu thanh niên ngoài Bắc xa nhà tự dưng rưng rưng. Làm sao không rưng rưng khi: “Con biết bây giờ mẹ chờ tin con/Khi thấy mai đào nở vàng bên hiên”, mà bây giờ họ vẫn còn ở nơi công trường trong rừng phương xa thế này. Họ bảo ông đừng đi hát đâu nữa, ở đây hát họ thù lao hàng ngày cho dù họ không đủ tiền về quê ăn Tết. Nhưng đâu được, đời ông là phải đi đây đó; phiêu lãng với âm nhạc mới là mục đích chính của ông.

*
Hát là sống, nhưng sống phải có cái bỏ bụng. Ông nói thật, rằng sẽ về hát ở Đạ Hoai khi mùa hái điều về. Hát ở Bảo Lộc khi mùa mưa trà có đọt. Hát ở Phú Sơn khi mùa chuối Laba già. Hát ở Di Linh khi mùa cà phê chín. Nông dân nghèo thì ông cũng nghèo theo. Nông dân rủng rẻng thì họ mới chia sẻ cho ông đôi đồng.

Mà mùa màng với ông không chỉ ở trong thời khắc cây trái. Ông cũng cần mùa màng để có cảm xúc mà hát. Gặp lúc mùa nắng, mùa thu ông hay hát những bài như: Người tình và quê hương, Ngọn trúc đào, Tình lỡ, Trong tầm mắt đời, Đường xưa lối cũ. Gặp mùa mưa, ông hát: Hai mùa mưa, Mưa nửa đêm, Lá thư đô thị, Mưa rừng, Em về kẻo trời mưa. Gặp mùa đông thì ca: Chuyện người đan áo, Lạnh trọn đêm mưa, Cho vừa lòng em, Mùa đông của anh. Gặp mùa xuân thì ca: Tôi chưa có mùa xuân, Con đường xưa em đi, Mùa xuân của mẹ, Xuân lỡ hẹn… Với những người đang gặp chuyện buồn, ông truyền cho họ  “lý thuyết buồn” của mình rằng, buồn thì nên làm cho nó buồn hơn, và chỉ có buồn hơn mới làm con người ta hết được buồn. Thế là hát, Chuyến tàu hoàng hôn, Đời tôi cô đơn, Hoa nở về đêm, Thói đời, Sầu lẻ bóng, Giọng ca dĩ vãng, Hai chuyến tàu đêm, Đôi ngả chia ly…  Kiểu như: Men nào bằng men yêu thương đây/Con đường mình đi sao chua cay/Nghe vàng mùa thu vang đâu đây /Em ơi em ơi thu thiết tha… Hoặc: Yêu thương như nước trôi qua cầu/Như đàn trỗi cung sầu…

*                                   
Hát trường kỳ như thế, trong sương gió mãi như thế, nên có ngày ông cũng bị nghiệp đọa. Cầm ca kiểu Trương Đức Nghi, tên ông, phèo phổi nào chịu nổi, hẳn danh ca thị thành vái lạy là hiển nhiên rồi. Một dạo, ho đau đến lộn ruột vỡ ngực, ông “gác đờn” để chữa trị phổi ở Bệnh viện Đồng Nai suốt 8 tháng trời. Bệnh lao vừa khỏi, ngồi mà nhớ cái thú ôm đàn ở chợ quá, ông nhảy Tùng Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng ngay. Nhảy lên, là sáng hôm sau đã thấy ngồi giữa chợ nghêu ngao, như thể đó là sân khấu của riêng mình.

Ông cũng có quê hương, ở xã Bàu Hầm (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Nhưng cái thú đau thương đã vận vào đời ông. Ông tự học nhạc, đánh đàn, và tự đào luyện mình thành ca sĩ. Người ta bảo ông cũng có gia đình. Rằng, vợ con ông không cho ông hành nghề cầm ca; nhưng ông vẫn cứ đi, lang bạt thế, đã hơn 25 năm rồi. Một trong 2 cái chân teo vẹo vì rơi vào bom lửa trên đất nước năm nào vẫn không cản nổi cơn thèm ca hát của ông. Hát quên luôn cái tuổi đã sáu lăm của mình. Hát quên luôn những khốn khổ ở trần gian.                             

Ông nói ông mang lại niềm vui cho mọi người. Ông cũng nói trời phú cho ông khả năng cầm ca. Tôi thì nghĩ có khi ông trời bắt ông phải cầm ca.
Có ai đó trong ngày chợ hôm nay mang theo về những giai điệu từ người rong ca ấy khi ngả lưng trên chiếc giường êm?

Nguyễn Hàng Tính

Có thể bạn quan tâm