Bạn đọc

Rừng Ia Pa vẫn bị rút ruột

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù cơ quan chức năng huyện Ia Pa đánh giá tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn không còn diễn biến phức tạp, nhưng trên thực tế, những cánh rừng nơi đây vẫn đang từng ngày bị rút ruột.

Ia Pa là địa bàn phức tạp trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Diện tích rừng của huyện lớn nhưng lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng khiến những cánh rừng nơi đây trở thành “miếng mồi ngon” cho lâm tặc. Từ những cây gỗ quý với kích thước lớn đến những thân gỗ tạp lần lượt bị đốn hạ. Sau đó, từng ngọn đồi, quả núi bị cạo trọc để làm nương rẫy. 

 

Xe công nông độ chở gỗ làm trụ tiêu từ rừng ra chuẩn bị vượt sông Tul. Ảnh: V.N
Xe công nông độ chở gỗ làm trụ tiêu từ rừng ra chuẩn bị vượt sông Tul. Ảnh: V.N

Một trong những nơi ngốn nhiều gỗ nhất dẫn đến sự cạn kiệt của những cánh rừng chính là các lò sấy thuốc lá. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trên địa bàn 3 xã trọng điểm về trồng cây thuốc lá của huyện Ia Pa là: Ia Ma Rơn, Ia Trok và Ia Broăi đã có đến hơn 300 lò sấy thuốc lá. Qua tìm hiểu của P.V, cùng một lượng thuốc lá, nếu sấy bằng gỗ tự nhiên sẽ giảm được khoảng 50% chi phí so với gỗ rừng trồng. Vì vậy, số đông nông dân trong vùng đã tìm cách dùng gỗ tự nhiên để tăng lợi nhuận.

Khoảng hơn một tháng trở lại đây là cao điểm của vụ thu hoạch thuốc lá tại huyện Ia Pa. Các lò sấy luôn hoạt động hết công suất để đảm bảo hàng hóa được xuất bán đúng thời vụ. Dạo quanh các lò sấy trong buôn Jứ Ma Uôk (xã Ia Broăi), chúng tôi thấy hầu hết các lò sấy thuốc lá đều sử dụng củi lấy từ rừng tự nhiên. Các cây gỗ như: cà chít, căm xe, dầu, bằng lăng… đều biến thành củi. Xung quanh các lò sấy thuốc lá, những đống củi như thế được tập kết nhan nhản. Đây là số gỗ được chặt từ rừng về hàng tháng trước và đã được hong khô, sẵn sàng đưa vào sử dụng. Với số lượng gỗ lớn như vậy chứng tỏ nó đã được chặt phá và tập trung trong một thời gian.

Ngoài lấy gỗ để sấy thuốc lá, tình trạng phá rừng lấy gỗ làm trụ tiêu ở Ia Pa dù đã không còn “nóng” như thời gian trước nhưng vẫn diễn ra âm ỉ. Từ trung tâm xã Ia Tul, men theo con đường mòn đến khu vực giáp ranh với xã Chư Mố, chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh những chiếc xe công nông độ chế vận chuyển hàng trăm lóng gỗ xẻ để làm trụ tiêu. Những chiếc xe này tuồn gỗ từ lâm phần quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Mố theo 2 con đường mòn dọc sông Tul để về điểm tập kết tại xã Ia Tul và xã Chư Mố trước khi được xuất bán cho các khách hàng tại Đak Lak, Chư Sê, Chư Pưh…

 

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện Ia Pa đã phát hiện và lập biên bản 16 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tạm giữ hơn 34,8 m3 gỗ các loại. Trong đó nổi bật là các vụ vận chuyển lâm sản trái phép tại xã Kim Tân, xã Ia Kdăm và 4 vụ cất giữ lâm sản trái phép tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư Mố.

Theo tìm hiểu, mỗi xe công nông độ chế có khoảng 3-4 người. Họ dùng cưa xẻ các thân gỗ, chủ yếu là cà chít, căm xe, bằng lăng… đường kính 20-50 cm thành các lóng. Mỗi xe độ chế vào rừng “ăn hàng” trong khoảng 2 ngày rồi trở ra với đầy ắp gỗ trên thùng, giá bán trên dưới 10 triệu đồng mỗi xe. Không chỉ vậy, sau một thời gian dài theo dõi khu vực trên, P.V đã ghi nhận có những xe chở gỗ quý như hương được ngụy trang tinh vi bởi gỗ củi tạp và các loại cây mì, cây bắp. Đây là “sản phẩm” được cho là khai thác từ khu vực rừng giáp ranh với huyện Kông Chro. Đáng nói, việc vận chuyển gỗ trái phép trên vẫn diễn ra đều đặn.

Trao đổi với P.V, ông Hà Quang Tuyến-Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Ia Pa, cho biết: “Không thể nói là không còn tình trạng phá rừng nhưng không còn diễn biến phức tạp mà chỉ nhỏ lẻ, tự phát. Chủ yếu là do đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đi làm rẫy rồi tranh thủ chặt về để cải thiện thu nhập. Về vấn đề các lò sấy, Hạt đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện và xã đi kiểm tra thường xuyên nhưng không phát hiện trường hợp nào dùng củi tự nhiên. Bởi họ thường tập kết rải rác, khi đoàn kiểm tra đi khỏi thì mới lấy về sử dụng nên rất khó xử lý”.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm