Phóng sự - Ký sự

Rừng trả nợ người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cũng tay trắng trồng rừng như bao người, nhưng “lão tiều phu” Nguyễn Thanh Ngọc không giống họ: Ông không ngồi đếm từng ngày, chỉ chờ rừng đủ tuổi là khai thác. Ông đi bán sức lao động để lấy tiền “nuôi dưỡng” cánh rừng, là cả gia tài ông chiu chắt bao năm. Ông chăm bẵm, săn sóc từng gốc cây cho đến khi tốc độ phát triển của chúng đã chững lại, lúc đó ông mới khai thác, nên mỗi khối gỗ khi đó đáng giá cả chỉ vàng.

Cây gỗ lớn trong tán rừng của ông Ngọc.
Cây gỗ lớn trong tán rừng của ông Ngọc.



“Đại gia” mặc áo rách, sáng ăn cơm nguội

Nhìn ngôi nhà hai tầng khang trang, kiến trúc khá hiện đại của ông Ngọc (thôn Ngòi Bang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) tôi đã nghĩ nó là “biệt thự” hơn bất cứ cái biệt thự toen hoẻn một vuông sân nào ở phố thị. Nhà ông nằm giữa sân vườn rộng thênh thang, phía sau là cánh rừng với những thân cây tít tắp, chiếc xe con đen bóng ở gara lọt thỏm trong không gian mênh mông ấy. Da rám nắng, gương mặt lạnh lạnh nam tính như tài tử xi-nê, ông Ngọc đi tông loẹt xoẹt ra sân đón khách. Nhìn ông Ngọc mặc chiếc áo thun cũ sờn, thủng lỗ chỗ, chúng tôi đùa: “Đại gia ở nhà lầu, chạy xe hơi mà vẫn tiếc cái áo rách hả ông?”. Ông Ngọc nheo mắt, khẽ nghiêng đầu tỏ vẻ nghe ngóng: “Nhà báo nói to lên, tai tôi hơi nặng”... “À, tôi nông dân xuề xoà, thú thật là ít quan tâm đến hình thức, nhà báo nói tôi mới biết là nó rách”.

Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Yên Bình, ông Hà Văn Quý đưa tay tháo kính cận, ông có vẻ xúc động: “Chủ rừng Nguyễn Thanh Ngọc đang có trong tay mấy trăm hécta rừng. Không chỉ giàu về kinh tế, ông Ngọc còn giàu cả về cây rừng lẫn đất rừng nhất xã. Mười sáu năm trước, khi tôi chuyển công tác từ huyện Văn Yên về huyện Yên Bình, tôi đã rất bất ngờ khi thấy “cánh rừng ông Ngọc” là điểm nhấn của cả xã, và là một trong những chủ rừng tiên phong trong việc trồng rừng, giữ rừng của cả huyện”.

Ông Nguyễn Thái Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái cũng gật gù tấm tắc: “Ông Ngọc đúng là “đại gia” đi lên từ kinh tế rừng. Ông ấy có hai người con trai, một anh kinh doanh dưới Hà Nội, còn một anh làm việc ở TP. Yên Bái”. Chúng tôi hỏi vui: “Ông sắm xe con đắp chiếu trong gara làm gì, sao không cho con trai làm phương tiện chạy đi chạy lại giữa Bảo Ái và thành phố?”. “Nó muốn đi thì tự nó lao động lấy tiền mà sắm. Tôi chỉ cho nó cần câu thôi. Nếu nó muốn có cái xe này thì dễ thôi, về đây thay tôi chăm sóc, quản lý rừng” - ông Ngọc vừa rủ rỉ nói vừa xách cái nồi cơm điện đi cắm. Hỏi: “Có hai vợ chồng mà ông nấu nhiều cơm thế?”. Ông thủng thẳng: “Bao năm nay bữa sáng của tôi vẫn là tô cơm nguội. Ăn cơm mới chắc dạ và đủ sức đi rừng được. Bà nhà tôi cũng thế!”.

Bán sức “nuôi” rừng

Ông Quý khoe: “Phong trào trồng cây gây rừng ở huyện Yên Bình hiện đã phát triển rộng khắp 26/26 xã, thị trấn. Riêng năm 2017, Yên Bình trồng mới được 2.640 hécta rừng đạt 110% kế hoạch, nâng tổng diện tích rừng hiện có của toàn huyện lên trên 42.000 hécta (chưa kể trên 19.000 hécta rừng được trồng trên các đảo hồ Thác Bà) trong đó có 30.792,6 hécta là rừng kinh tế. Phải sau rất nhiều năm tuyên truyền, vận động, cùng những chính sách khuyến khích của nhà nước, bây giờ Yên Bình mới đạt được con số đó. Hơn ba mươi năm trước, khi các ban ngành còn vất vả vận động bà con phủ xanh đồi trọc thì cánh rừng của ông Ngọc đã xanh um”.

Ngày đó rời quân ngũ về lại quê nhà, ông Ngọc đã rất trăn trở khi thấy rừng trụi thùi lụi như những gã đầu trọc nham nhở lố nhố cạnh nhau. Bấy giờ ông đã nghĩ: So với cả tỉnh miền núi này, Yên Bình thuận lợi hơn rất nhiều về địa hình và thổ nhưỡng để phát triển kinh tế rừng. Vừa tính đến bài toán làm ăn, vừa xót xa trước mẹ rừng đang kiệt quệ, ông Ngọc chạy vạy vay mượn họ hàng, bạn bè để đi mua cây giống về phủ xanh cánh rừng nhà mình. Cây đã bén rễ, đã vươn mình đón nắng thì ông đứng trước gánh nặng: Nuôi hai đứa con thơ và nuôi cả cánh rừng. Thế là ông khoác ba lô đi làm thuê mướn, từ cửu vạn đến bán sức trên vùng đá đỏ Lục Yên, việc nào ông cũng xông vào. Những năm đằng đẵng ấy, bà Cư vợ ông vừa nuôi dạy hai đứa con, vừa bán lưng cho trời, bán mặt cho đất rừng. Đến ngày cánh rừng đủ tuổi khai thác thì ông tỉa dần những cây kém phát triển để lo cơm áo gạo tiền nuôi vợ con.

Khi gánh nặng mưu sinh đã vơi bớt, ông về nhà, bền bỉ “nuôi”, bền bỉ chăm bẵm từng gốc cây giữ lại. Ông không cắm cái cây xuống đất và phó mặc mọi sự cho đất trời, vợ chồng ông quanh hết lối rừng này đến lối rừng khác phát cỏ dại, bón phân cho cây. Đến mức “làm rừng từ năm này qua năm khác, phát trúng không biết bao nhiêu tổ ong và ổ muỗi độc, cái tai tôi nặng là do ong và muỗi đốt quá nhiều (!?)” - ông Ngọc kể.


 

 Nhờ tầm nhìn và tình yêu rừng, ông Ngọc đã trở thành đại gia từ hai bàn tay trắng.
Nhờ tầm nhìn và tình yêu rừng, ông Ngọc đã trở thành đại gia từ hai bàn tay trắng.



“Chiến lược” giữ rừng

Năm 2016, Bộ NNPTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông quốc gia chủ trì xây dựng mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn (keo lai và keo tai tượng) mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng gỗ lớn trong thời gian 3 năm từ 2016 - 2018, đáp ứng mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Ông Ngọc phân tích rõ ràng như bất kỳ cán bộ nông lâm nào: “Nhu cầu sử dụng gỗ lớn của nước ta tăng dần theo từng năm, nhưng sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 20% nguyên liệu, 80% phải nhập khẩu. Diện tích rừng gỗ lớn của nước ta chỉ đạt 20%, 80% là rừng gỗ nhỏ. Nếu trồng rừng gỗ nhỏ thì chỉ dùng làm gỗ dăm hoặc nguyên liệu giấy. Giá bán mỗi mét khối được 700.000 - 800.000đ. Mà cứ hết 4 hoặc 6 năm (tuỳ loại cây trồng) là phải dốc vốn liếng để đầu tư cho chu kỳ mới. Trong khi trồng cây gỗ lớn để lấy gỗ xẻ phục vụ chế biến thì mình “nuôi” càng lâu, đường kính thân cây càng lớn lại càng được giá. Đường kính 25 - 30cm là đã bán được 1.8 - 2 triệu đồng mỗi khối, chưa kể chỉ phải đầu tư vốn giống để trồng một lần, giá trị kinh tế vừa cao hơn, vừa góp phần không nhỏ để bảo vệ môi trường”.

Điều ấy, ông Ngọc đã nhìn thấy từ mấy chục năm về trước, nên ngoài trồng rừng trên đất của mình, ông còn thuê thêm đất của các hộ khác. Với những hộ không đủ vốn để kéo dài thời gian “nuôi” cây, ông Ngọc sẵn sàng kết hợp: Ông đầu tư vốn, giống và chi phí trong suốt thời gian “nuôi” cây; các hộ nhận nhiệm vụ chăm sóc. Đến kỳ khai thác, ông và hộ liên kết sẽ hưởng mỗi người một nửa. Thấy mô hình trồng cây gỗ lớn của ông có hiệu quả, nên có nhiều hộ sẵn sàng liên kết “nuôi” rừng. Khi đồng vốn đã lưng lưng túi, việc tiếp tục kết hợp hay không, ông để họ lựa chọn, quyết định.

Nhiều người bảo ông Ngọc là “lão tiều phu” có tầm nhìn! Khi kinh tế đã ổn, ông đầu tư xưởng bóc gỗ để lo phần đầu ra cho bà con. Kinh tế gia đình và chi phí “nuôi” rừng đã có cái xưởng ấy. Đứng bên những thân cây lớn cỡ một vòng ôm, ông Ngọc bảo đã có nhiều người đến hỏi mua nhưng ông không bán, vì: “Cánh rừng đã giúp tôi nuôi hai đứa con ăn học nên người. Ngày trước khó khăn tôi còn “nuôi” được rừng, bây giờ no đủ rồi, cớ gì lại đẵn rừng mang bán. Tôi sẽ tiếp tục “nuôi”, tiếp tục giữ lá phổi xanh này đến chừng nào còn hít thở được không khi trong lành của nó” - ông Ngọc khẳng định ông mắc nợ với rừng. Còn nhiều người thì lại thấy cả chiều kích khác nữa: Rừng đang trả nợ người trồng!


 

 Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Ngọc.
Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Ngọc.


Giải bài toán kinh tế, hỗ trợ bà con trồng rừng gỗ lớn

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái - ông Nguyễn Thái Bình cho biết: “Rừng cây gỗ lớn cho hiệu quả kinh tế tốt hơn, song diện tích này ở Yên Bái chưa nhiều. Vì người trồng rừng có thu nhập thấp, không thể “nuôi” rừng trong chu kỳ trên mười năm. Người trồng rừng lại thiếu vốn sản xuất, họ đi vay vốn thì khoản vay thấp hơn nhu cầu đầu tư, thời hạn vay cũng ngắn hơn so với chu kỳ “nuôi” rừng. Để tháo gỡ những vấn đề đó, tỉnh đang xây dựng đề án “Hỗ trợ phát triển các vùng trồng rừng gỗ lớn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 11.875 ha rừng gỗ lớn, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến và xuất khẩu; đưa năng suất bình quân rừng trồng chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn đạt từ 12 m³/ha/năm trở lên. Đồng thời, tăng tỉ lệ gỗ lớn bình quân (gỗ xẻ có đường kính>15cm) từ 30 - 40% hiện nay lên 50 - 60% vào năm 2020 và trên 60% từ năm 2020 trở đi. Cùng với đó là hàng loạt các chính sách hỗ trợ và các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ người dân trồng và chuyển hoá rừng gỗ lớn; thực hiện tốt các chính sách về khuyến nông, tiếp cận thị trường; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển cây gỗ lớn nhằm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư được thuê đất, liên kết trồng rừng gỗ lớn gắn với xây dựng các nhà máy chế biến và tiêu thụ sản phẩm... Đề án này được kỳ vọng là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.




Tâm Am - Vũ Ninh (LĐO)
 

Có thể bạn quan tâm