Rút ngắn thời gian điều trị bệnh lao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2010, Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo sử dụng phác đồ điều trị lao 6 tháng thay vì phác đồ điều trị lao 8 tháng do những bằng chứng về hiệu quả của phác đồ điều trị này. Từ tháng 4-2015, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai đã triển khai điều trị lao theo phác đồ điều trị 6 tháng giúp bệnh nhân giảm thời gian điều trị mà vẫn đạt hiệu quả.

Theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa, phác đồ điều trị lao 6 tháng giúp rút ngắn thời gian điều trị và số liều thuốc dùng, tạo thuận lợi cho người bệnh và việc hợp tác điều trị giữa người bệnh và thầy thuốc sẽ tốt hơn rất nhiều. Ngoài ra còn có nhiều lợi ích khác nữa như ít nguy cơ nhiễm độc thuốc mạn tính, giảm gánh nặng về ngân sách, cơ sở điều trị hay nhân viên y tế. Một khi hóa trị liệu ngắn ngày được triển khai rộng khắp, lợi ích to lớn chắc chắn mang lại cho bệnh nhân lao và giúp cải thiện được tình hình bệnh lao trên toàn cầu.

 

Phác đồ điều trị lao 6 tháng giúp bệnh nhân rút ngắn được thời gian điều trị. Ảnh: N.N
Phác đồ điều trị lao 6 tháng giúp bệnh nhân rút ngắn được thời gian điều trị. Ảnh: N.N

Bác sĩ Mai Minh Hiền-Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai cho biết: Khi người bệnh điều trị theo phác đồ điều trị lao 6 tháng thì cần tuân thủ các quy định như uống thuốc đều, đủ liều và tái khám theo định kỳ. Quá trình điều trị từ tháng thứ 2, thứ 3 bệnh sẽ thuyên giảm hẳn, các triệu chứng nóng, sốt giảm, đờm giảm, ăn uống ngon miệng hơn, lên cân, những cơn đau tức ngực không còn, sức khỏe trở lại gần như bình thường… Khi đó người bệnh thường tự cho là đã khỏi nên tự ngưng điều trị. Tuy nhiên, trên thực tế, trực khuẩn lao sống rất dai, phải cần thời gian ít nhất là 6 tháng mới có thể tiêu diệt hoàn toàn nên việc bỏ trị rất dễ bị lao tái phát, khi đó thời gian và chi phí điều trị sẽ lâu và tốn kém hơn. Đối với các cơ sở y tế địa phương cần triển khai giám sát thường xuyên, hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc đều, đủ, tái khám định kỳ và giúp bệnh nhân kiên trì theo phác đồ điều trị.

Tại Gia Lai, trung bình mỗi năm toàn tỉnh phát hiện gần 700 bệnh nhân lao mới, tỷ lệ điều trị khỏi trên 85%. Riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh phát hiện 375 bệnh nhân lao, tăng 34 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2015, tỷ lệ bệnh nhân điều trị khỏi và hoàn thành điều trị là 97,4%. Bệnh nhân lao được phát hiện chủ yếu bằng hình thức thụ động, tỷ lệ người có triệu chứng nghi lao đến cơ sở y tế rất ít, phần lớn bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn nặng hoặc phát hiện tình cờ qua các bệnh lý nội khoa.

Giám sát của tuyến xã đối với bệnh nhân lao điều trị phác đồ 6 tháng là khâu quan trọng nhất trong quá trình giám sát để đảm bảo bệnh nhân được dùng thuốc đúng, đủ và đều. Tuy nhiên để áp dụng nguyên tắc này trong điều kiện thực tế của Gia Lai thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất định. Bác sĩ Nguyễn Đại-Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Gia Lai chia sẻ: Thiếu bác sĩ là một trong những khó khăn chung trong công tác phòng-chống lao. 5 năm liền, bệnh viện chưa tiếp nhận được bác sĩ nào về công tác trong khi biên chế bác sĩ của bệnh viện là 16 (hiện mới chỉ có 8 bác sĩ). Một trong những khó khăn nữa là cán bộ chuyên trách lao tuyến cơ sở thường xuyên thay đổi nên việc giám sát, theo dõi, thống kê báo cáo không đạt. Kinh phí hoạt động của dự án phòng-chống lao quốc gia chậm cấp về trong năm cũng ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động phòng-chống lao trên địa bàn tỉnh.

Vì vậy, để điều trị lao hiệu quả cần sự chung tay cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành, của gia đình và xã hội, quan trọng hơn hết là người bệnh cần kiên trì trong điều trị, uống thuốc đều, đủ theo đúng chỉ định. Ngoài ra, việc phát hiện sớm bệnh lao sẽ tăng cơ hội điều trị khỏi bệnh và giảm nguồn lây trong cộng đồng.

 

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm