(GLO)- Sách giả, sách lậu không phải là câu chuyện mới nhưng vẫn là tâm điểm bởi nhiều năm qua chưa thể xử lý rốt ráo. Cùng với thiệt hại lớn về kinh tế đối với các nhà xuất bản và tác giả/dịch giả, sách giả, sách lậu còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa đọc.
Theo phân tích của các nhà xuất bản, sở dĩ sách giả, sách lậu vẫn có chỗ đứng là bởi mối lợi quá lớn mang lại. Các nhà xuất bản muốn ra một cuốn sách phải trải qua rất nhiều khâu như: mua bản quyền, xin giấy phép, biên tập, chế bản... nhưng những cơ sở làm sách giả, sách lậu thì chỉ mất tiền giấy và công in, đúng nghĩa “bán giấy ăn tiền”.
Chọn mua sách tại các nhà sách uy tín là cách nói không với sách giả, sách lậu. Ảnh: Lam Nguyên |
Tại Gia Lai, các cơ quan chức năng cũng từng phát hiện và xử lý một số cơ sở tàng trữ sách giả. Điển hình, tháng 7-2019, qua công tác nắm tình hình, Đội Quản lý thị trường số 12 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai) đã tiến hành kiểm tra 2 cơ sở kinh doanh tại TP. Pleiku, 1 cơ sở kinh doanh ở huyện Chư Sê và phát hiện các cơ sở trên đang tàng trữ sách giáo khoa để bán ra thị trường với số lượng 3.577 quyển. Toàn bộ số sách trên đều ghi là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, có tem 7 màu hình tròn và thẻ cào để truy cập hướng dẫn sử dụng, tuy nhiên các chủ cơ sở không cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Ngay sau đó, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục tại TP. Đà Nẵng xác định: Số sách mà Cục Quản lý thị trường Gia Lai đang tạm giữ đều là sách giả. Đáng chú ý, tem dán trên sách cũng là… tem giả.
Gần đây nhất, ngày 18-6-2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an (C03) phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam triệt phá thành công đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay. Theo kết luận điều tra, năm 2021, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát (Hà Nội) cùng đồng phạm đã đặt in, nhập kho hơn 9,3 triệu quyển sách giả các loại liên quan đến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Nhóm này đã tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển, còn 3 triệu quyển chưa kịp bán thì bị thu giữ. Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, lợi nhuận thu được từ số sách giả này khoảng 50 tỷ đồng.
Mối lợi quá lớn khiến sách giả, sách lậu cứ thế vươn vòi bạch tuộc đến khắp các tỉnh, thành. Mới đây, nhận được Công văn số 814/CXBIPH-TTPC ngày 24-8-2022 của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) về đấu tranh, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với in sách lậu, sách giả, Sở Thông tin và Truyền thông đã có công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp thông tin, tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi việc in và sử dụng sách lậu, sách giả. Đây là động thái nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà xuất bản, đơn vị liên kết và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia Công ước Berne về bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh Gia Lai-cho biết: Nhận được công văn của Sở Thông tin và Truyền thông, Thư viện tỉnh đã tiến hành rà soát tất cả các xuất bản phẩm tại đơn vị. “Hàng năm, nguồn sách bổ sung của Thư viện tỉnh khoảng gần 20.000 cuốn. Chúng tôi nhập sách từ những nguồn đảm bảo chất lượng, đồng thời có bộ phận rà soát kỹ đầu vào của nguồn sách này nên khả năng sách giả, sách lậu lọt vào thư viện là rất hiếm”-bà Thủy khẳng định. Tương tự, ông Lê Quốc Việt-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Giáo dục Gia Lai-thông tin: Công ty có hệ thống 4 nhà sách Vạn Trí, trong đó 2 nhà sách trên địa bàn tỉnh. Nguồn sách mà Công ty nhập về đều từ các nhà xuất bản uy tín nên đơn vị hoàn toàn tin tưởng.
“Chỉ 3% người đọc Việt Nam quan tâm nhận biết sách thật-giả, một số biết giả nhưng vẫn mua vì rẻ”-đó là thông tin đáng buồn được đưa ra tại một hội thảo do Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 10-2021. Vì tâm lý ham rẻ, một bộ phận người đọc chấp nhận mua về những cuốn sách in mờ nhòe trên giấy xấu, đầy rẫy lỗi morat, thiếu những bức tranh minh họa in màu đẹp mắt và dễ dàng bị bung gáy. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc thưởng thức, lĩnh hội tác phẩm, tựa như đang ăn cơm thì gặp phải sạn. Xa hơn nữa, việc thừa nhận tình trạng sách giả gây tổn thất nặng nề đối với những đơn vị làm sách chân chính.
Để đối phó với sách giả, đặc biệt là… tem giả, một số doanh nghiệp vừa giới thiệu sản phẩm tem điện tử như một giải pháp hữu hiệu. Loại tem này có hiệu quả cao hơn vì khả năng chống giả cao, đồng thời cung cấp công cụ tiện ích để người dùng kiểm tra biết được sách thật, sách giả. Trong “cuộc chiến” này, các nhà xuất bản và cơ quan chức năng đã rất nỗ lực, song nhân tố quan trọng nhất quyết định sự “thành bại” không ai khác là những độc giả có tâm. Nếu thật sự yêu giá trị của tri thức và mong muốn lan tỏa văn hóa đọc, xin hãy cẩn trọng chọn sách có tem nhãn đảm bảo tại những nhà sách, địa chỉ uy tín. Không nên ham rẻ, không vì cái lợi nhỏ trước mắt mà giết chết sách thật, dung dưỡng sách giả, sách lậu.
LAM NGUYÊN