Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Sấm đầu mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên (Ca dao)

Hiện tượng tự nhiên ấy tôi từng được thầy-cô giáo bộ môn Vật lý, Hóa học giảng giải nhưng quên rồi. Chỉ biết, ông bà xưa toàn là nông dân, không có báo đài để nghe/xem bản tin dự báo thời tiết, chỉ có kinh nghiệm truyền đời cùng hiện tượng tự nhiên mà chép miệng với trời đất, rồi ngẫm ngợi về cây lúa củ khoai, con cá con tôm, bờ tre vạt mía, ngày chiêm ngày mùa… để sống thuận hòa cùng bốn mùa trời đất.

 

Ảnh internet

Đi qua những ngày xuân. Chớm hạ thì bỗng nghe những tiếng sấm đầu mùa, vang lên như từ xa vọng lại. Đã qua rồi cái tuổi trẻ con muốn tò mò khám phá thế giới, chỉ biết đi sau sấm chớp là mưa rào. Những trận mưa ầm ào dữ dội và phóng túng tưới tắm cỏ cây muôn vật, gội rửa không gian… Nước dồn xuống ngập đầy những khu vườn trũng, ruộng đồng, ao hồ. Ộp oạp những tiếng ếch nhái, ễnh ương từ lúc chiều muộn. Những đám rau muống, rau lang già xác xơ trên nền đất khô nứt nẻ nước lại duềnh lên, ngập trắng. Để sớm mai ra thấy chồi lên hàng loạt những búp rau xanh mượt, cứ như có phép lạ. Bữa cơm ngày hạ chang chang nắng của gia đình thôn quê có món rau luộc, rau xào tỏi cùng bát nước rau vắt chanh trở thành món lạ miệng, rất đưa cơm. Tuyệt nhất là khi mẹ nấu bát canh riêu cua đồng, rau tập tàng hái được từ vườn nhà, thấy ngọt ngon và mát đến thảnh thơi…

Sấm đầu mùa bất ngờ vang lên vào chiều muộn. Mưa từ xa mưa về mờ mịt lối, bong bóng vỡ đầy, theo dòng nước đục ngầu trôi bập bềnh trên đường phố. Tuổi thơ trần mình tắm mưa rượi mát ập ùa về. Người già trong xóm khi nghe sấm vọng, sấm muộn, sấm sớm mà dự báo gió mưa, mùa màng trong năm. Để rồi bây giờ ngồi nhớ lại những năm tháng đi qua, những người đi người về, những được mất luân phiên, những vui buồn chìm lấp…, dù vẫn biết đó là quy luật trời đất và đời người muôn kiếp nào có khác gì, vậy mà lòng vẫn thấy đôi chút trống vắng.

Sấm đầu mùa đến, thỉnh thoảng còn nghe tin người, vật bị sét đánh. Từ lúc trẻ con, chúng tôi đã được dạy không được trốn mưa dưới những gốc cây to giữa đồng không mông quạnh hay mang theo bên người những vật dụng làm bằng kim loại khi có sấm sét. Câu chuyện về Thần Sét, số phần bị Thiên Lôi đả hay trời đánh ma trơi ở những tán cây cao… bất chợt hiện về. Nhớ thương ơi tuổi thơ vĩnh viễn qua rồi!

Sấm đầu mùa đì đùng vang lên khoảng dăm mười phút rồi là mưa, là gió. Trẻ con sau mưa rủ nhau ra đồng đón bắt cá rô. Chiều sau mưa chừng như xuống muộn, ảo mờ hơi sương, ảo mờ gian bếp, ảo mờ khói lên từ những đụn rơm.

Ở Tây Nguyên, sấm đầu mùa là mùa mưa bắt đầu, mùa hồi sinh của đất. Từ ngoại ô cho đến tận làng vùng sâu, người ta quáng quàng vào mùa vụ, cho đất sẽ lên xanh mùa màng cây trái. Nên cũng chả trách, những sáng đầu tuần nhiều học viên của chúng tôi đến lớp muộn với đôi bàn tay chai sần rám nắng còn dính chút bùn đất, vì sau lớp áo công chức kia họ là nông dân thực thụ đang chạy đua cùng tiếng sấm đầu mùa.

Nguyễn Đình Phê

Có thể bạn quan tâm