Sân chơi bổ ích cho những người đam mê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 5 năm hoạt động, Hội Sinh vật cảnh thị xã An Khê đã thực sự trở thành nơi gắn kết của những người yêu sinh vật cảnh trên địa bàn thị xã nói riêng và các địa phương lân cận nói chung.
 

  Các hội viên trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh. Ảnh: N.M
Các hội viên trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây cảnh. Ảnh: N.M

Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã An Khê Nguyễn Văn Trinh cho biết, Hội được thành lập năm 2011 và là Hội Sinh vật cảnh đầu tiên của tỉnh Gia Lai. Đến nay, Hội có 120 hội viên, biên chế thành 6 chi hội, trong đó thị xã có 4 chi hội, số chi hội còn lại ở huyện Đak Pơ và Kbang.

Thời gian đầu thành lập, Hội cũng gặp không ít khó khăn, song được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực, cố gắng của các hội viên, hoạt động của Hội dần ổn định. Sản phẩm cây cảnh, gỗ lũa, đá cảnh, chim cảnh và hàng gỗ mỹ nghệ có bước phát triển theo yêu cầu của thị trường; sản phẩm bán ra thị trường tăng dần, nhiều hội viên có thu nhập khá...

 

Năm 2012, Hội đạt giải nhất tại Hội thi sinh vật cảnh tỉnh Gia Lai và được UBND tỉnh tặng bằng khen; Sở Nông nghiệp và PTNT cũng tặng giấy khen cho Hội vì có thành tích xuất sắc trong tham gia triển lãm sinh vật cảnh của tỉnh. Ngoài ra, Hội còn được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tặng bằng chứng nhận vì đã góp phần cho thành công của Hội chợ Thương mại quốc tế Festival Huế 2014; Bộ Công thương tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức và tham gia “Hội chợ Triển lãm Thương mại Quốc tế Quảng Bình năm 2014”; UBND tỉnh Bình Định tặng bằng khen và cúp lưu niệm...

Tham gia vào Hội từ khi mới thành lập, ông Lê Nhật Nghi (thôn An Quý, xã Phú An, huyện Đak Pơ) bảo rằng, ông chơi cây cảnh từ năm 13 tuổi. Năm 2011, sau khi tham gia Hội, ông Nghi đã quyết định đi học nghệ thuật bon sai ở TP. Hồ Chí Minh. Vốn có kinh nghiệm từ thực tế, cộng thêm kiến thức học được, ông đã không ngần ngại trao đổi, hướng dẫn cho các hội viên. “Để có một cây đẹp và giá trị cao cần rất nhiều yếu tố từ phôi cây đến quá trình cắt tỉa, tạo dáng và tán theo đúng kỹ thuật. Quan trọng nhất là nghệ nhân phải biết thổi hồn cho cây, chăm chút chúng như người thân trong gia đình”-ông Nghi chia sẻ.

Còn ông Huỳnh Bửu Quyết (xã Hbông, huyện Chư Sê) thì phấn khởi cho biết: “Từ khi vào Hội, công việc chế tác đá của tôi thuận lợi hơn. Các hội viên có thể trao đổi kinh nghiệm cho nhau. Hơn nữa, các sản phẩm có cơ hội được đi triển lãm, hội chợ. Tôi cũng mong muốn Hội tổ chức tập huấn kỹ thuật nhiều hơn cho các hội viên để chúng tôi ngày càng nâng cao tay nghề”.

Thời gian qua, Hội cũng đã phối hợp với Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Định tổ chức tập huấn kỹ thuật, mỹ thuật cho 70 hội viên; tổ chức học tập kinh nghiệm với các Hội Sinh vật cảnh: TP. Pleiku, huyện Chư Sê, Mang Yang; TP. Quy Nhơn, huyện Tuy Phước, Tây Sơn (Bình Định); tham gia triển lãm, hội chợ, quảng bá, mua bán cây cảnh, gỗ lũa, đá mỹ nghệ trong và ngoài tỉnh và 2 năm bán sản phẩm tại chợ hoa Tết An Khê. Tại thị xã An Khê, Hội cũng đã 8 lần tổ chức hội thi “Tiếng hót chim chào mào” với hàng trăm lồng chim đến thi thố từ các thành phố: Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Nha Trang (Khánh Hòa)...

Qua các hoạt động, hội viên đã học tập nhiều kinh nghiệm, sản phẩm bán ra trên 20 tỷ đồng. Ngoài ra, Hội còn giải quyết việc làm cho hàng trăm hội viên và người lao động, góp phần vào chương trình giảm nghèo của địa phương. Tháng 5-2014, Hội được kết nạp vào Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai và là thành viên của Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã An Khê.

 Ngọc Minh

Có thể bạn quan tâm