Mấy chục năm đã qua, tiếng ve sầu tưởng đã chìm vào ký ức về một thời cắp sách đến trường của lũ học trò chúng tôi, lại bất chợt ùa về, trong cái đêm theo nhóm săn ve.
Từ 1 đêm hè đi săn ve ấy, tôi biết thêm nhiều điều thú vị về loài côn trùng gắn liền với tuổi thơ này, những điều tôi chưa từng biết và có lẽ, không phải ai cũng biết.
Con đặc sản "to còi"
Buổi chiều một ngày đầu tháng 5, tôi đang trầm ngâm bên tách cà phê thì điện thoại reo inh ỏi, tôi bắt máy. Đầu dây bên kia, anh bạn ở TP Đồng Xoài, Bình Phước “úp mở”: “Anh đang ở Đồng Xoài đúng không? Tối nay nhóm anh em chúng tôi có kế hoạch đi săn con đặc sản “to còi”, anh có muốn tham gia không?”. Tôi tò mò: “Con gì mà nghe lạ thế?”. Anh bạn cười to, đáp: “Con ve sầu chứ con gì. Tối nay theo tụi em, anh sẽ được chứng kiến giây phút “ve sầu thoát xác”, ngắm giây phút chào đời của nó, sau đó mang đặc sản về… chế biến. Hấp dẫn chưa?”. Quả là thú vị. Tôi nghe xong, gật đầu cái rụp.
Khi mặt trời vừa khuất bóng, anh bạn tên Đặng Ngọc Thành, 26 tuổi, nhà ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú, đã trờ đến. Chúng tôi lập tức lên đường. Từ TP Đồng Xoài, đi xe máy hơn 20km, đến ấp Suối Sình, xã Tân Hưng, Đồng Phú, là đến khu vực bắt ve nằm sâu trong các rẫy điều, cà phê.
Thợ “săn ve” đi thành nhóm 2 người, một người soi đèn, người còn lại xách xô đựng
“Săn ve sầu không khó, nhưng phải đi khá xa, và phải có kinh nghiệm, biết đặc điểm sinh trường của loài côn trùng này. Đó là những vườn cây cách xa khu dân cư, đất có độ ẩm cao, là nơi có nhiều ve. Bây giờ ve sầu là đặc sản, rất có giá, nên không chỉ có “thợ săn” đi bắt mà rất nhiều người, buổi tối rảnh là họ tranh thủ đi bắt, kiếm thêm”, Thành nói.
Men theo con đường đất đỏ ngoằn nghèo, chúng tôi đi sâu vào trong các rẫy điều, cà phê chừng hơn nửa giờ, Thành dừng lại, bảo: “Chỗ này cũng nhiều ve rồi đấy”. Nói rồi, anh lia một đường chiếc đèn pin siêu sáng quanh những thân cây, nói: “Anh thấy ve non đậu trên thân cây không?”, tôi nhìn kỹ, quả nhiên có rất nhiều vỏ xác ve màu hổ phách vương vãi, bên cạnh xác là những con ve non, màu trắng sữa đang bám vào thân cây. “Nó bò từ dưới lòng đất lên đấy, nếu không bắt ngay lúc mới lột, lát nữa là nó già, cánh cứng”, Thành nói.
Chúng tôi chia thành tổ 2 người, 1 người soi đèn pin, người còn lại bắt ve non thả vào thùng hoặc túi nilon đựng nước muối pha loãng. Trong bóng đêm, những chiếc đèn pin như đàn đom đóm khổng lồ, loang loáng lia ánh sáng hết thân cây này đến thân cây khác. Những bàn tay thoăn thoắt, nhẹ nhàng gỡ từng chú ve non từ thân cây ra, thả vào thùng nước hoặc túi nilon.
1 người soi đèn pin, người còn lại bắt ve non
Hàng trăm con ve sầu bám kín thân cây
“Phải thả vào thùng nước cho con ve chết, nếu không thì mang về tới nhà chúng cũng già hết, không ăn được. Còn muối pha trong nước là để bảo quản con ve non, không bị thâm đen khi chết”, Thành giải thích.
Nhóm bạn của Thành ban ngày đi làm rẫy, hoặc làm việc tự do. Hè đến, khi bắt đầu nghe tiếng ve râm ran, họ lại rủ nhau đi bắt, về làm thức ăn hoặc nhiều thì bán cho các quán ăn, nhà hàng. Là người đi rẫy, biết rõ những điểm nhiều ve, nên bình quân mỗi đêm, nhóm của Thành bắt được 1,5 - 2kg ve non. Với giá bán từ 200 - 250 ngàn/kg, cũng kiếm được ngót nửa triệu. Ấy là chưa kể, đêm nào trời mưa còn bắt được nhiều hơn. “Thời điểm ve nhiều nhất là khi cơn mưa tối vừa hết, đất mềm nên ve lên nhiều. Có đêm em kiếm cả 3 - 4kg. Món này giao nhà hàng, bao nhiêu họ cũng lấy. Mà còn không có để giao nữa”, thành viên trong nhóm của Thành, chàng trai trẻ 20 tuổi Đặng Nguyễn Minh Tuấn, khoe.
Tôi hỏi: “Thế bắt về có dám ăn không hay bán hết?”. Nguyễn Hoàng Minh, 23 tuổi, thành viên trong. Nhóm, đáp: “Tụi em đi bắt chủ yếu là vui và cải thiện, nên cùng gia đình ăn là chính, cũng có nhiều người đi bắt chủ yếu kiếm thêm nên không ăn”.
Cận cảnh "ve sầu thoát xác"
Thành cho biết, bây giờ rất nhiều người đi bắt ve sầu, một số người có điều kiện, chỉ đi bắt ve giải trí và mang về cải thiện bữa ăn, số còn lại bắt được bán lại cho nhà hàng, tăng thu nhập. “Nhiều khi một buổi tối chỉ chừng 2 tiếng đồng hồ nhưng tiền bán ve còn cao hơn 1 ngày công lao động ban ngày. Mà anh thấy không, buổi tối anh em họp nhau đi bắt ve kiếm thêm chẳng tốt hơn tụ tập ở nhà chơi bời, bài bạc hay nhậu nhẹt sao?”, Thành tâm sự.
“Ve sữa có thể chế biến được những món gì?”, tôi hỏi. “Nhiều món lắm: xào lá chanh, xào xả ớt, chiên bột, nấu cháo, nướng…đều rất ngon. Nhất là những chú ve bắt trong những giây đầu tiên vừa lột xong, hoặc còn dính xác bên ngoài, nhìn toàn thân nó căng mọng sữa. Ăn cực béo”, nói tới đây, Thành muốt nước miếng đánh “ực”, tay xoa bụng, cười: “Cái bụng nghe nhắc đến ăn, nó đang phản đối’.
Giây phút ve sầu “thoát xác”
Quá trình theo nhóm bắt ve, tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về loài côn trùng đặc biệt này. Tôi băn khoăn: “Mình chưa được chứng kiến cảnh ve sầu lột xác như thế nào”. Thành nói: “Tôi xem nhiều rồi, nhưng không biết diễn tả thế nào cho anh hiểu, để tôi kiếm một một con chuẩn bị lột cho anh xem là biết. Nhìn cũng thú vị lắm”, Thành đáp.
Và. ngay sau đó, tôi đã mục kích cảnh chào đời của ve sầu. Đầu tiên, ấu trùng ve chui lên từ hang dưới đất. Sau khi chui lên mặt đất, ve sầu leo lên cây, bám chặt. Sau khoảng 10 phút bám lên cây, quá trình lột xác của ve sầu bắt đầu. Đầu tiên, lớp vỏ cứng bên ngoài phía lưng từ từ tách ra, chú ve non chào đời (đây là lúc chúng tôi bắt chú ve thả vào nước muối). Thời gian chầm chậm trôi đi, đôi cánh của ve từ màu xanh lá cây, mềm, ướt, bắt đầu mở ra, dài và cứng dần, các tĩnh mạch nổi rõ, màu sắc toàn thân ve đậm hơn.
Điều thú vị là, quá trình sinh trưởng, màu sắc trên cơ thể ve sầu cũng thay đổi từ màu xanh lá cây sang một màu xanh khác, huyền ảo, lấp lánh hơn. Toàn bộ quá trình từ “sinh” đến “trưởng thành” của ve sầu chỉ mất khoảng 30 - 40 phút. Có lẽ do quá trình sinh trưởng quá nhanh nên vòng đời của chúng cũng chỉ kéo dài từ hơn 1 tháng đến 2 tháng? “Tôi cũng có tìm hiểu sơ sơ về loài này. Đầu tiên là ấu trùng sống dưới đất, sâu từ 0,5 đến hơn 2m trong nhiều năm. Anh thấy rồi đó, thời gian lột chỉ trong khoảng 30 phút, 1 giờ sau là nó “đủ lông đủ cánh” để bay lên cao, bắt đầu cất tiếng ca hát chào đời và hút nhựa cây để sống… Lúc nó trưởng thành, có bắt cũng chỉ để ngắm chơi thôi chứ có gì đâu mà ăn. Vì thế mới có câu “gầy xác ve”, Thành cười, giải thích.
Những bàn tay thợ săn ve dính đầy “nhựa” từ ve sầu non mới lột.
Gần 11 giờ đêm, chúng tôi quyết định kết thúc cuộc săn ve. Thành quả thu được sau chuyến đi là gần đầy một xô ve sữa, Thành đoán khoảng gần 3kg. Trên đường trở ra, chiếc đèn pin vẫn lia thấy rất nhiều chú ve non đang chui lên từ mặt đất thực hiện công cuộc “cải lão hoàn đồng”, nhưng chúng tôi quyết định “làm ngơ” để về cho kịp thời gian làm một “chầu” đặc sản trước khi trời sáng.
Vòng đời của ve sau khi lột xác rất ngắn, chỉ khoảng 40 - 60 ngày. Sau khi ve đực và cái giao phối, con cái đẻ trứng lên các rãnh trên thân cây và trứng sẽ nằm ở đây khoảng 1 năm, sau đó chúng lại thành ấu trùng rơi xuống đất, giai đoạn này có thể kéo dài nhiều năm, ấu trùng sống bằng cách hút nguồn dinh dưỡng từ rễ cây. Khi trưởng thành, chúng khoét lỗ rời mặt đất và tìm đến các thân cây sần sùi để bám và bắt đầu quá trình lột xác. Vòng đời mới bắt đầu”. |
Khương Hồng Thủy (Nông nghiệp Việt Nam)