Theo thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, thiên tai đã gây nhiều thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, thiên tai đã làm 3 người chết, 261 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; hơn 2.610 ha lúa và hoa màu bị hư hại; ước thiệt hại về tài sản hơn 104 tỷ đồng. Còn 6 tháng đầu năm nay, thiên tai đã làm 7 người bị thương, 465 căn nhà bị tốc mái, 1.280 ha cây trồng bị thiệt hại, ước thiệt hại về tài sản hơn 26 tỷ đồng.
Trong năm 2022, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ hơn 29 tỷ đồng cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai và giúp người dân ổn định cuộc sống, sản xuất.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đi thực tế tại Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Trước diễn biến khó lường của thời tiết, để chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bước vào mùa mưa năm nay, UBND tỉnh liên tiếp có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương về vấn đề này. Theo đó, ngày 14-7, UBND tỉnh đã có Công văn số 1836/UBND-NL về chủ động ứng phó với sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước và trong mùa mưa lũ. Đến ngày 18-7, UBND tỉnh tiếp tục có Công văn số 1859/UBND-NL về việc chủ động ứng phó thiên tai, đảm bảo an toàn cho người, nhà ở và công trình xây dựng trong mùa mưa lũ.
Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó thiên tai nhưng trong những ngày gần đây, do ảnh hưởng cơn bão số 1, nhiều địa phương vẫn xảy ra thiệt hại. Theo đó, tại huyện Chư Sê, mưa lớn đã làm sập 2 đoạn mương đất dài 570 m tại xã Dun. Cũng tại xã Dun, lượng nước lớn từ các tuyến đường đổ về kéo theo đất đá đã bồi lấp một số diện tích lúa của người dân. Đặc biệt, đoạn đường đắp tạm để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong quá trình thi công cống Ia Pết ở xã Bờ Ngoong đã bị nước cuốn trôi.
Ông Lê Duy Khương-Chủ tịch UBND xã Bờ Ngoong-thông tin: Đêm 17 rạng sáng ngày 18-7, mưa lớn kéo dài, lượng nước đổ về suối Ia Pết rất lớn đã cuốn trôi đường đắp tạm, gây chia cắt việc đi lại và lưu thông hàng hóa của người dân. Trước đó, vào tháng 6-2023, đoạn đường đắp tạm này cũng bị nước cuốn trôi, sau đó được đơn vị thi công khắc phục. Ngay khi xảy ra sự việc, UBND xã đã huy động các lực lượng túc trực hai bên bờ suối hướng dẫn người dân đi đường khác nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.
Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: “Chúng tôi đang kiểm tra việc bồi lấp ruộng lúa, thống kê thiệt hại để báo cáo về tỉnh. Đồng thời, xuống hiện trường kiểm tra đoạn đường tạm bị nước cuốn trôi, hướng dẫn người dân đi lại qua đoạn đường khác để đảm bảo an toàn tính mạng”.
Đoạn đường đắp tạm bị nước cuốn trôi tại xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Tại huyện Đức Cơ, mưa lớn trong những ngày qua đã làm hơn 10 ha lúa nước bị vùi lấp và 0,4 ha ao nuôi cá của người dân bị ngập; ước thiệt hại hơn 66 triệu đồng. Còn tại huyện Krông Pa, mưa lớn cũng gây thiệt hại khoảng 52,4 ha dưa hấu của người dân, trong đó, 16,4 ha thiệt hại trên 70%, 36,4 ha thiệt hại dưới 70%.
Theo ông Nguyễn Chúc-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: “Những ngày qua, chúng tôi tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ diễn biến của đợt mưa lớn, từ đó chủ động triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, giám sát tình hình vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt. Đặc biệt, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai lực lượng xung kích phòng-chống thiên tai tiến hành kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư có nguy cơ ngập lụt cao, xảy ra lũ quét, sạt lở đất để chủ động sẵn sàng di dời, sơ tán người dân nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài”.
Song, ông Nguyễn Chúc cho biết: Công tác phòng-chống thiên tai của tỉnh tuy đã chủ động, quyết liệt từ các ngành và địa phương nhưng vẫn còn có hiện tượng chủ quan, ỷ lại; trang-thiết bị, vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; ngân sách bảo đảm cho phòng-chống thiên tai còn hạn chế...
Mới đây, trong chuyến kiểm tra thực tế tại tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long-Thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng-chống thiên tai đánh giá cao công tác phòng-chống thiên tai của tỉnh trong những năm gần đây. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị: “Thời gian tới, Gia Lai cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân trong phòng-chống thiên tai; thường xuyên cập nhật, rà soát, dự báo, cảnh báo sớm diễn biến thiên tai trên địa bàn tỉnh. Tổ chức diễn tập phòng-chống thiên tai cho các lực lượng cứu hộ cứu nạn và lực lượng xung kích tại chỗ”. Đối với những khó khăn của tỉnh, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết sẽ ghi nhận để báo cáo Trung ương và các bộ, ngành xem xét giải quyết.