Săn tìm trầm dây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kbang những ngày này, mưa rừng từng cơn rả rích. Theo sự giới thiệu của một “trùm” trong giới buôn bán gỗ trắc nay đã “rửa tay, gác kiếm”, chúng tôi được xâm nhập vào “thế giới” trầm dây. Hành trình 2 ngày trong các khu rừng thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và rừng giáp ranh giữa huyện Kbang với 2 huyện Kon Plông và Kon Rẫy (Kon Tum) chúng tôi hiểu thêm về hoạt động khai thác trầm dây nơi đây...

Nhập cuộc

Từ lời giới thiệu, chúng tôi gia nhập nhóm của “Tiến đen” một trong những tay mới nổi trong hoạt động khai thác trầm dây tại thị trấn Kbang. Đúng hẹn 9 giờ 30 phút, chúng tôi có mặt tại thị trấn Kbang để bắt đầu cuộc hành trình. Chuyến đi lần này có 6 người. Nơi đến đầu tiên là một nhánh thuộc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tại xã Kon Pne. Một người dân địa phương làm nhiệm vụ dẫn đường. Trên đường đi, chúng tôi được một người giới thiệu cách nhận biết trầm dây.

Tìm trầm tại rừng Kon Ka Kinh. Ảnh: Lê Anh
Trầm dây được chia làm 3 loại: Loại 1 là những dây leo có lá màu xanh sẫm như lá cây rau ngót, loại này có giá trị kinh tế cao nhất. Nếu trầm cô đặc (đã đông đặc có màu đen) có giá 7,5 triệu đồng/kg, loại xô (có màu đen pha trắng chưa cô đặc) có giá 4 triệu đồng/kg. Loại 2 là loại lá to bằng ba ngón tay, có hình bầu dục, là cây dây leo mà người địa phương dùng lá để giết cá (gọi là cây thuốc cá), loại này có giá trị thấp hơn khi trầm cô đặc có giá 4,5 triệu đồng/kg, trầm xô chỉ 1,5 triệu đồng/kg. Loại 3 gọi là trắc dây, thị trường hiện nay chỉ có giá vài trăm ngàn đồng/kg. Mỗi dây nhiều nhất có khoảng 6 kg trầm, nhưng rất hiếm mà chỉ từ 2 kg đến 3 kg. Những dây này phải có từ 50 năm tuổi trở lên mới có trầm, để trầm cô đặc cây phải hơn 100 năm tuổi.

Hơn một giờ đồng hồ trong Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, chúng tôi gặp một cây trầm dây loại 2, đường kính khoảng 10 cm, nhưng chưa đúc trầm. Theo “Tiến đen” cây này chưa đến 50 năm tuổi. Cũng theo người dẫn đường, đợt này người đi khai thác trầm ít lại, một phần do thời tiết đang vào những cơn mưa lớn, những vùng còn trầm phải đi rất xa. Ngoài ra, còn vì Kiểm lâm truy bắt… Sau nửa ngày mệt mỏi quần thảo trong rừng, chúng tôi trở ra lại xã Kon Pne vì mưa lớn và trời đã về tối.

Hành trình hôm sau bắt đầu từ 6 giờ, theo sự dẫn đường, chúng tôi vượt qua gần 10 km gặp 2 đoàn khai thác trầm, nghe giọng nói có lẽ họ từ Nghệ An vào. Người dẫn đường liên tục nhắc nhở anh em trong đoàn cẩn thận, đề phòng những nhóm khai thác trầm này do thường xảy ra xô xát, tranh giành khi  tìm trầm. Khoảng 8 giờ, chúng tôi chia làm 2 nhóm, thống nhất sẽ chỉ săn tìm trong bán kính 3 km, hẹn 12 giờ trưa trở ra điểm hẹn. Nhóm chúng tôi có 4 người, vì chưa quen địa bàn nên chỉ đi theo để tránh sự nghi ngờ. Sau cuộc săn tìm, trở ra điểm hẹn đã tìm được 2 kg trầm xô loại 2. Trở ra thị trấn Kbang, để tránh những vụ tranh cướp nên đã tìm được mối bán hàng vào sáng hôm sau.

Của rừng rưng rưng nước mắt

Tại các địa bàn mà các nhóm tìm trầm hoạt động đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp, ẩu đả. Vụ tranh giành khiến các nhóm tìm trầm phải hoang mang xảy ra cuối tháng 2 tại địa bàn giáp ranh với huyện Kon Plông (Kon Tum), khi nhóm từ Bình Định bị nhóm của Kon Tum cướp đi gần 3 kg trầm loại 1. Dù nhóm Bình Định có 6 người nhưng trước hai khẩu súng săn của đối phương nên đành “ngậm đắng, nuốt cay” nhìn thành quả của mình bị cướp mất, chưa kể một thành viên trong nhóm còn được “kỷ niệm” một nhát dao vào lưng. Từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3, tại địa bàn xã Krong, Kon Pne và những vùng giáp ranh với tỉnh Kon Tum có gần 20 nhóm tìm trầm. Trong số này, phân nửa đến từ Bình Định, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An tỏ ra rất liều lĩnh, sẵn sàng hành xử bất chấp tính mạng người khác, khiến không ít nhóm “thợ săn” bản địa cũng phải dè chừng.

Hầu hết các vụ xô xát xảy ra rồi chìm vào quên lãng. Theo lời của người dẫn đường: Từ khi rộ lên khai thác trầm đã có hơn 10 vụ xô xát, cướp trầm xảy ra. Không nhóm nào báo cáo với chính quyền vì chính bản thân người bị hại cũng đều là những tay “hảo hán” tha phương và đều vi phạm pháp luật, nên không dại gì để Công an biết. Ông Nguyễn Tiến Hùng- Phó Trưởng Công an huyện Kbang cho biết: “Thông tin về việc khai thác trầm dây chúng tôi có biết và đã làm việc với Hạt Kiểm lâm. Còn về những vụ xô xát giữa các nhóm tìm trầm chúng tôi chưa nhận được thông tin. Chính quyền xã cũng không nắm được, các đối tượng cũng không khai báo nên rất khó tiến hành xác minh…”.

Ngoài những vụ tranh đoạt, các nhóm tìm trầm còn phải gánh chịu những hiểm họa đến từ rừng, không ít người đã bị rắn cắn. Người dẫn đường cho biết: Cuối tháng 3, một người tên Dũng-ngụ thị trấn Sa Thầy-tỉnh Kon Tum phải bỏ mạng giữa rừng khi bị rắn hổ cắn… Theo thông tin từ giới tìm trầm kháo nhau, một tay săn trầm ở thị xã An Khê trúng 1,7 tỉ đồng. Chưa biết thực hư thế nào và giấc mơ tìm thấy trầm đổi đời đến đâu, nhưng hậu quả đã nhãn tiền.
Lê Anh- Lê Nam

Có thể bạn quan tâm