Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Sáng tỏ bí ẩn những quầng sáng ma quái trên biển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Các nhà khoa học cuối cùng đã giải mã được bí ẩn 60 năm mang tên "halo", tức là những quầng sáng xuất hiện rải rác trên biển, trong những bức ảnh chụp trái đất từ không gian.
Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi bà Elizabeth Madin tại Viện Sinh học biển Hawaii (Mỹ) cuối cùng đã tìm ra sự thật về những quầng sáng halo kỳ lạ và ma quái từng làm giới khoa học đau đầu từ 60 năm trước.
Các halo hiển thị trong những bức ảnh chụp từ không gian như những quần sáng ma quái và bí ẩn đang lênh đênh giữa biển - ảnh: CNES
Các halo hiển thị trong những bức ảnh chụp từ không gian như những quần sáng ma quái và bí ẩn đang lênh đênh giữa biển - ảnh: CNES
Các halo xuất hiện một cách khó hiểu trong những bức ảnh vệ tinh chụp trái đất từ vũ trụ. Chúng rải rác ở những vùng biển không quá xa bờ, tỏa ánh sáng kỳ ảo. Mặc dù từ lâu người ta đã cố tìm đến và phát hiện đó là những vòng cát trần nằm giữa tảo và rong biển, bao quanh các rạn san hô. Tuy nhiên, cách mà nó xuất hiện bí ẩn giữa biển vẫn là câu đố hàng thập kỷ.
Cận cảnh một số quầng sáng
Cận cảnh một số quầng sáng "halo" nằm kề cận nhau - ảnh: NASA
Từ những năm 1960, một lý thuyết kỳ thú gọi là giả thuyết grazer đặt ra rằng quầng sáng có thể được tạo ra bởi các sinh vật đói sống trong các rạn san hô. Để tự bảo vệ mình khỏi động vật săn mồi trong vùng nước mở xung quanh, nhím biển và các loài cá ăn thực vật đã dùng tảo làm lá chắn, dần dần xây nên bức tường vây bọc bằng cây cỏ biển và cát. Tuy nhiên, suốt hàng thập kỷ, không ai quan sát hay xác minh được giả thuyết trên.
 Một bức ảnh cận cảnh
Một bức ảnh cận cảnh "halo" khác - ảnh: Digital Globe
Nhóm nghiên cứu lần này đã lao vào cuộc giải mã kéo dài nhiều năm bằng cách thiết lập hàng loạt các camera bao quanh một rạn san hô lớn gần đảo Heron (Úc).
Kết quả, họ không chỉ xác nhận được "giả thuyết grazer" tồn tại gần 6 thập kỷ là đúng, mà còn nhận ra các halo là báo cáo sức khỏe của các rạn san hô, mà con người có thể theo dõi từ không gian.
Ở các vùng biển ít bị con người săn bắt cá và làm ô nhiễm, các halo thường nhỏ hơn và nhiều hơn. Không bị con người tấn công, nhiều sinh vật nhỏ ăn thực vật khỏe mạnh, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều "ngôi nhà tập thể" mang tên halo tồn tại trong vùng biển đó. Các sinh vật ăn thịt to lớn cũng không bị đánh bắt, dẫn đến các chú cá nhỏ buộc phải giam mình trong những halo nhỏ để bảo vệ mình tốt hơn, thay vì cả gan tiến xa ra vùng nước mở và tạo ra những halo lớn.
Hệ sinh thái tự nhiên được bảo đảm bởi sự vắng bóng con người đồng nghĩa với việc rạn san hô ở khu vực đó được bảo đảm, bởi nhiều nghiên cứu trước đó đã chứng minh san hô trên trái đất đang bị suy giảm nghiêm trọng do ô nhiễm và các động thái làm đảo lộn hệ sinh thái của con người.
"Điều này sẽ mở đường cho sự phát triển của một giải pháp mới nhằm giám sát các khu vực rộng lớn của rạn san hô, quản lý các hệ sinh thái rạn san hô khỏe mạnh và phát triển nghề cá theo xu hướng bền vững" – nhà nghiên cứu Madin nói.
A. Thư (Daily Mail, The Atlantic, UPI, nld)

Có thể bạn quan tâm