Thời sự - Bình luận

Sao không cố định lịch nghỉ tết?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Năm nào cũng vậy, khi Bộ LĐ-TB-XH đưa ra lấy ý kiến phương án lịch nghỉ Tết Nguyên đán luôn xảy ra tranh luận nhiều chiều trong xã hội.

Năm nay, khi Bộ LĐ-TB-XH đưa ra lấy ý kiến phương án nghỉ 7 ngày và 9 ngày nghỉ tết 2023, mỗi bộ, ngành một ý. Bên thì cho rằng nghỉ ngắn là phù hợp, bên lại nói nghỉ dài là hài hòa, tạo điều kiện để người lao động (NLĐ) có thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, đặc biệt là người đi làm xa.

Nhiều ý kiến cho rằng cả 2 phương án Bộ LĐ-TB-XH đưa ra nghỉ 7 ngày và 9 ngày đều chưa hợp lý, bởi thời điểm nghỉ đều sát tết, khiến NLĐ đi lại cập rập, ảnh hưởng đến việc chuẩn bị, mua sắm tết của người dân... Đặc biệt là khi nhu cầu đi lại, về quê ăn tết rất lớn của người dân sẽ gây áp lực lớn về giao thông. Thời điểm đi làm trở lại thì rơi vào ngày cuối tuần dẫn tới hiệu quả công việc không cao, thậm chí đi làm chỉ là hình thức.

Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN với 2 phương án Bộ LĐ-TB-XH đưa ra, có 80% NLĐ đồng ý nghỉ tết 9 ngày. Tuy nhiên, Tổng LĐLĐ VN đề xuất phương án thứ 3 là nghỉ 8 ngày. Phương án này đã được đông đảo NLĐ lựa chọn, với trên 93% đồng tình.

Không ít người bày tỏ lo ngại việc năm nào cũng xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành về phương án nghỉ tết để sau đó trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định vừa mất thời gian, công sức và tốn kém, nên chăng xây dựng lịch nghỉ tết cố định để người dân và doanh nghiệp (DN) chủ động việc nghỉ, tránh lãng phí.

Về vấn đề này, đại diện Cục An toàn lao động, cơ quan tham mưu lịch nghỉ tết của Bộ LĐ-TB-XH, khẳng định lịch nghỉ tết “cứng” 5 ngày đã được quy định trong bộ luật Lao động 2019. Căn cứ theo từng năm, số ngày nghỉ tết thực tế sẽ được kéo dài thêm trùng với lịch nghỉ hằng tuần và được nghỉ bù. Cơ quan chuyên môn phải căn cứ các điều kiện KT-XH, lịch cuối tuần, lịch nghỉ bù, từ đó đề xuất phương án nghỉ tết. Việc lấy ý kiến bộ, ngành, cơ quan liên quan là quy trình bắt buộc, bởi lịch nghỉ tết tác động đến quyền lợi của hàng chục triệu công chức, viên chức, NLĐ. Khi lựa chọn phương án phải có sự đánh giá tác động của các bộ, ngành nghề, hiệp hội DN.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực lao động, việc xin ý kiến các bộ, ngành chỉ mang tính hình thức và không cần thiết, quan trọng nhất là cơ quan tham mưu trước khi trình Thủ tướng phải xây dựng được phương án hợp lý, hợp tình sẽ nhận được sự đồng thuận cao. Tổng số ngày nghỉ theo luật là không đổi, việc cho NLĐ nghỉ tết sớm, đi làm sớm là hoàn toàn phù hợp, Bộ LĐ-TB-XH có thể tự quyết và điều chỉnh, không nên quá máy móc đưa ra nhiều phương án.

Được nghỉ tết dài ngày là mong muốn của đại đa số NLĐ, để kỳ nghỉ tết thật sự có ý nghĩa và trọn vẹn. Thay vì tranh cãi, “cò cưa” lịch nghỉ ngắn dài, các bộ, ngành hãy tập trung để làm sao cải thiện năng suất lao động, sắp xếp các bộ phận làm việc hợp lý, cải thiện hạ tầng giao thông, tổ chức tốt hơn các hoạt động chăm lo đời sống NLĐ tốt hơn, tránh lãng phí về thời gian, công sức.

Theo Hải Bình (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm