(GLO)- Một buổi chiều sau lũ, mưa vẫn còn rả rích, Đại đức Thích Đồng Tấn trụ trì chùa Bửu Thắng (thôn Quý Đức, xã Ia Trôk, huyện Ia Pa) dõi đôi mắt về dải đất phía trước chùa, nơi có dòng sông Ayun đục đỏ hung hãn cuộn chảy. Lâu lâu, lại giật thót người bởi tiếng đổ ầm của từng tảng đất lớn, bọt trắng nổi lên. Nước sông Ayun nuốt trọn khối đất và cuốn đi.
Đất lở, dân lo
Ảnh: N.T |
Đại đức kể, khi xưa khu đất của nhà chùa rộng khoảng 1 ha, qua nhiều lần bị nước lũ xâm lấn còn vẻn vẹn 1 sào. Trước trận lũ lịch sử năm 2009, khoảng cách từ sân chùa đến mép sông dài 200 mét, nay chỉ còn độ 10 mét. Sợ bức tượng Phật Quan Âm bị cuốn trôi, thầy phải cho người di dời vào phía trong. Bây giờ thì thầy đang xin đất để di dời chùa vì không muốn trôi theo dòng nước.
Tiếp giáp với đất chùa Bửu Thắng, khu vườn 4 sào đang trồng bắp của bà Huỳnh Thị Lừa cũng đua nhau đổ ầm theo con nước. Bà Lừa nghẹn ngào: “Trước đây khu đất này rộng khoảng 7 sào nhưng nay chỉ còn 4 sào. Cứ đà này cả khu vườn sẽ trôi theo nước lũ, rồi không biết lấy đất ở đâu để trồng trọt đây”. Cách đó không xa, ông Đào Đức Kiểng đang đội mưa nhổ vội mấy bụi mì non tháng, trước khi chúng trôi theo đất lở. “Sạt ghê quá chú ạ, chỉ một năm mà đã lở hết 2 sào đất rồi đấy. Tôi đang lo cả ngôi nhà cũng bị trôi đây”-ông Kiểng xót xa.
Hàng trăm hộ dân thuộc buôn Jứ Ama Hoét và buôn Jứ Ama Uốk (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) cũng cùng chung cảnh ngộ. Trước đây con sông Ba hiền hòa chảy qua hai buôn, cung cấp nước ngọt tưới mát các cánh đồng và cả nước sinh hoạt cho người dân. Thế nhưng từ sau năm 2009, sông Ba liên tiếp biến dòng, lòng sông mở rộng cả trăm mét.
Nước sông Ayun khiến đất vườn của bà Huỳnh Thị Lừa tiếp tục bị sạt lở. Ảnh: N.T |
Mùa mưa đến, nước sông tiếp tục ngoạm sâu vào hai bên bờ, khiến đất trồng trọt ngày càng bị thu hẹp, tính mạng của100 hộ dân luôn bị uy hiếp. Trong đợt lũ ngày 3-10 vừa qua, đoạn suối Ia Tul chạy qua địa bàn xã Ia Tul, dài khoảng 20 km đã “ngốn” khoảng 5 ha đất có hoa màu của các hộ dân canh tác hai bên bờ suối. Đồng thời, nước lũ xói mòn khoảng 50 mét đường liên thôn, liên xã và tỉnh lộ 662 địa phận huyện Ia Pa, khiến cho việc đi lại của người dân đã khó lại càng khó hơn.
Làm gì để giữ đất cho dân?
Ia Pa là “rốn lũ” của tỉnh, các xã Ia Trôk, Chư Răng, Ia Broăi, Ia Tul là những địa phương thường xuyên bị lũ. Nguyên nhân chính là các công trình thủy lợi và thủy điện phía thượng nguồn liên tục xả lũ. Hậu quả của những cơn lũ để lại là không hề nhỏ và nhức nhối nhất là nạn sạt lở đất. Hàng chục ha đất nông nghiệp và thổ cư dọc theo các con sông, suối bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của nhân dân.
Ảnh: N.T |
Ngoài ra, việc các hộ dân khai thác cát trái quy định trên sông Ayun, sông Ba cũng là một lý do khiến đất bị sạt lở trầm trọng. Niềm mong mỏi của người dân sống trong vùng sạt lở là có phương án cụ thể để bảo vệ tài nguyên đất và tính mạng của họ.
Xung quanh vấn đề này, ông Lữ Phúc Phong-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, lập phương án di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm lên nơi cao hơn. Hiện đang tổ chức di dời 40 hộ dân cư trú dọc theo suối Đak Pi Hiao (thôn Đoàn Kết, xã Chư Răng) đến địa điểm mới. Riêng xã Ia Broăi thì chưa di dời vì chưa tìm ra địa điểm thay thế.
Tuy vậy, công tác triển khai việc di dời vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do ý thức chủ quan của người dân. 20 hộ dân (thôn Đoàn Kết, xã Chư Răng) nằm trong vùng sạt lở nghiêm trọng nhưng không đồng ý di dời. “Thời gian tới UBND xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tự di dời. Nếu các hộ không chịu di dời thì buộc chúng tôi phải cưỡng chế nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho họ”-ông Phạm Quốc Cường-Chủ tịch UBND xã Chư Răng, quả quyết.
Ảnh: N.T |
Mùa bão lũ năm 2013 rồi cũng đi qua và một mùa mưa khác lại đến. Nước từ các con sông chắc chắn sẽ lại đầy và biến dòng. Trong khi đó, công tác di dời dân cư hoặc xây dựng bờ kè chống sạt lở vẫn chỉ là dự định…
Nguyễn Tú