Thời sự - Bình luận

Sau đại dịch, ta nhìn nhau thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi dịch bệnh dần qua, chúng ta sẽ nhìn nhau theo cách nào? Lẽ nào để người tỉnh nhìn Sài Gòn rồi thấy sợ, người thoát chết nhìn đời hoang mang, trẻ nhỏ nhìn bạn bè thấy xa lạ?

Một nghiên cứu xã hội của Đại học London (UCL) tiết lộ, 22% người trưởng thành ở Anh nói họ đã trải qua sự đổ vỡ hoàn toàn trong mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc hàng xóm trong năm thứ hai của đại dịch Covid-19. Một phần tư số người độ tuổi 18-29 cho biết quan hệ vợ chồng xấu đi, và cũng tỷ lệ tương tự nói rằng mối quan hệ với đồng nghiệp xấu đi. Đại dịch gây ra tác động hỗn hợp, khóa chặt các mối quan hệ giữa người với người.

Báo Time cho biết, trong thời kỳ đại dịch, thông qua các kênh giao tiếp trực tuyến, người Mỹ vẫn duy trì ổn định được các mối quan hệ bạn bè. Tuy nhiên, họ có những người bạn thân mới: Các ngôi sao, người nổi tiếng và thậm chí các nhân vật hư cấu. Họ cảm thấy thân thiết với những người bạn chưa (và có thể là không) bao giờ gặp mặt này hơn cả những người bạn thật sự.

Khảo sát khác của một nhóm nghiên cứu tại Mỹ kết luận, trong thời kỳ giãn cách xã hội, các cá nhân cảm nhận sự cô đơn gia tăng hơn, tình bạn xa cách hơn và có nhiều cảm giác về thái độ thù địch.

Những nước này đều có mức độ nghiêm ngặt cũng như thời gian giãn cách xã hội ít hơn Việt Nam. Tuy vậy, biện pháp giãn cách (cho dù cần thiết để góp phần ngăn chặn đại dịch) vẫn gây ra cho người dân của họ những thương tổn nhất định, đặc biệt là tổn thương tinh thần. Điều này được xác nhận qua các nghiên cứu, đặc biệt với những người sống sót sau khi mắc Covid ở Mỹ.

Cũng tại Mỹ, số liệu cho thấy xu hướng tự tử ở trẻ em và thanh niên tăng lên trong năm 2020. Tuy chưa khẳng định mối liên quan trực tiếp giữa xu hướng này với dịch Covid, nhưng các chuyên gia nhận định rằng việc đóng cửa trường học, thời gian ở trong nhà quá lâu, ít được tiếp cận các hình thức tư vấn điều trị tâm thần… là các lý do khiến tỷ lệ tự tử gia tăng.

Tại Malaysia, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021, số vụ tự tử đã tiệm cận con số cả năm của các năm 2020 và 2019. Trung bình mỗi ngày có 3 vụ tự tử. Ngay trước Ngày phòng chống tự tử (10/9 hằng năm) năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát đi thông điệp: Phòng chống tự tử cần phải là hành động ưu tiên sau 18 tháng diễn ra đại dịch Covid-19.

Sau đại dịch, thế giới không bao giờ còn như xưa.

 

 Người lao động rời Đồng Nai, gồng gánh cả gia đình về quê, có cả những em bé lọt thỏm trong lòng mẹ. Ảnh: Nha Mẫn
Người lao động rời Đồng Nai, gồng gánh cả gia đình về quê, có cả những em bé lọt thỏm trong lòng mẹ. Ảnh: Nha Mẫn


Tôi chưa được biết đến khảo sát nào tương tự được tiến hành ở Việt Nam. Nhưng tôi đã chứng kiến nhiều điều còn hơn mọi cuộc khảo sát.

Tôi đã chứng kiến những dòng người bồng bế, dìu dắt, mang theo con thơ, chó mèo, nồi xoong, chăn màn, đi xe máy, xe đạp, đi bộ trên những hành trình nghìn cây số, qua nắng lửa đêm đen. Có những bà mẹ sinh con ngay trên đường. Có em bé lả đi vì chuyến đi quá sức chịu đựng. Có những người trong túi không còn tiền. Nhưng cứ đi, cứ thoát ra đã. Đi đâu, sống thế nào ngày mai, tất cả tính sau. Trong con mắt họ, nơi họ vừa rời đi hẳn là khủng khiếp. Những giấc mơ mưu sinh, đổi đời đều tan tành. Chấp nhận thua cuộc. Đi về nhà. Và hẳn là phải rất lâu nữa, những người đó mới dám nghĩ đến chuyện "quay lại Sài Gòn".

Tôi được nghe không chỉ một bác sĩ kể lại, có những bệnh nhân sống sót sau Covid, nhưng như người mất hồn: Vợ chết, mẹ chết không có nhìn nhau lần cuối, gia đình ly tán chỉ trong chớp mắt. Cuộc đời như cơn mê, thật khó khi phải tỉnh lại đế đối diện thực tại.

Tôi mến mộ và tiếc thương nghệ sĩ P.N. Chị mất vì lựa chọn ở lại Việt Nam hỗ trợ đồng bào trong dịch bệnh. Nhưng những chuyện xảy ra sau đó với con nuôi của chị có thể khiến chị khó yên lòng. Tôi không biết sau này những đứa con nuôi sẽ nhìn nhau thế nào? Những vết thương đau càng thêm đau.

Tôi đã tranh cãi với bạn bè về chuyện những doanh nghiệp cư xử thô bạo với đối tác, chỉ vì Covid làm cả hai bên đều khó khăn. Trong cơn bĩ cực, họ không tìm được cách sống đẹp với nhau, nên nhìn nhau hằn học.

Tôi thấy rõ sự mừng rỡ của con tôi, khi một ngày vợ tôi mở cửa và cho phép chúng chạy chơi ngoài sân. "Nhưng nhớ đeo khẩu trang và gặp ai thì tránh xa". Chúng vâng lời, nên tuy chạy chơi nhưng mỗi đứa một xó.

Việt Nam cũng như thế giới, sau đại dịch chẳng thể nào còn như xưa. Kinh tế tổn thương rõ ràng, còn mất nhiều thời gian nữa mới hồi phục dù có các gói kích thích, ưu đãi, đầu tư. Nhưng con người tổn thương cũng là chuyện rõ ràng không kém. Trong cơn dịch, đành rằng không thể chu toàn. Giờ khi dịch đã có phần lắng xuống, sức lực lại dồn vào phục hồi kinh tế. Xin đừng quên, phục hồi chính chúng ta cũng quan trọng.

Đừng để dịch qua rồi, mà người tỉnh nhìn Sài Gòn lại thấy sợ, người thoát chết nhìn đời thấy hoang mang, người thân nhìn nhau nghi kỵ, trẻ nhỏ nhìn bạn thấy xa lạ. Suy cho cùng, chống dịch hay phục hồi kinh tế cũng chỉ nhằm đến cái đích cuối là con người mà thôi.


https://danviet.vn/sau-dai-dich-ta-nhin-nhau-the-nao-20211021231955035.htm


Theo QUẢNG HÀ (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm