Kinh tế

Nông nghiệp

Sau dịch tả heo châu Phi: Gia Lai cẩn trọng khi tái đàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau thời gian triển khai các biện pháp phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi, các ngành và địa phương đang khẩn trương hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật để giúp người chăn nuôi có điều kiện tái đàn, khôi phục sản xuất.
Tích cực hỗ trợ người chăn nuôi
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), từ ngày 14-5 đến 14-10, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 3.277 hộ ở 383 thôn, làng của 101 xã, phường, thị trấn thuộc 15 huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh. Tổng số heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 29.377 con với trọng lượng gần 1.472 tấn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 2.340 hộ ở 234 thôn, làng của 60 xã, phường, thị trấn thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố có heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy chưa qua 30 ngày. Trong đó, các xã: Ia Nan, Ia Dom (huyện Đức Cơ), Ia Piơr (huyện Chư Prông), Biển Hồ (TP. Pleiku) đang tái phát dịch tả heo châu Phi.
 Trang trại nuôi heo của người dân trên địa bàn huyện Chư Pưh theo mô hình khép kín vẫn phát triển ổn định. Ảnh: L.N
Trang trại nuôi heo của người dân trên địa bàn huyện Chư Pưh theo mô hình khép kín vẫn phát triển ổn định. Ảnh: L.N
Từ khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện, cơ quan chức năng, địa phương và người dân đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để khống chế dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi. Theo đó, các địa phương đã sử dụng 1.998 lít hóa chất Benkocid, 111.813 kg vôi bột và thành lập 42 chốt kiểm dịch động vật để ngăn chặn và chống dịch. Ngoài ra, tỉnh và các địa phương đã quan tâm hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi. Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Ngày 25-9, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 570/QĐ-UBND về việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi năm 2019 (đợt 1). Theo đó, UBND tỉnh tạm ứng ngân sách tỉnh (phần kinh phí đề nghị Trung ương hỗ trợ 80%) hơn 13,5 tỷ đồng cho các huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ phòng-chống dịch. Đối với ngân sách địa phương đảm bảo 20% là 3,38 tỷ đồng, tỉnh xuất ngân sách 2,704 tỷ đồng từ nguồn dự phòng năm 2019; 676 triệu đồng còn lại do các huyện, thị xã, thành phố tự cân đối ngân sách để thực hiện.
Cũng theo ông Có, đến nay đã có 9 huyện, thị xã, thành phố triển khai hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có heo bị mắc bệnh, chết và tiêu hủy với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Trong đó, huyện Đức Cơ hơn 1,2 tỷ đồng, huyện Ia Pa gần 2,4 tỷ đồng, huyện Chư Prông hơn 234 triệu đồng, huyện Krông Pa hơn 93,5 triệu đồng, huyện Ia Grai 40 triệu đồng, huyện Kbang 9 triệu đồng, thị xã Ayun Pa hơn 2,3 tỷ đồng, huyện Chư Pưh hơn 1 tỷ đồng và TP. Pleiku hơn 707 triệu đồng.
Thận trọng khi tái đàn
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, tổng đàn heo của tỉnh hiện có khoảng hơn 417 ngàn con (giảm gần 9 ngàn con so với trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi). Thời gian qua, tại các địa phương chưa xảy ra dịch, người dân vẫn tiếp tục phát triển đàn heo và tái đàn được hơn 19.110 con. Còn đối với các địa phương đã công bố hết dịch, người chăn nuôi đang chuẩn bị các điều kiện để tái đàn.
Anh Lâm vệ sinh chuồng trại hàng ngày để chuẩn bị tái đàn. Ảnh: L.N
Anh Lâm (bìa trái) vệ sinh chuồng trại hàng ngày để chuẩn bị tái đàn. Ảnh: L.N
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần người chăn nuôi vẫn còn tâm lý e ngại và lo dịch tái phát. Anh Lê Viết Lâm (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) cho biết: “Dịch tả heo châu Phi đã làm 2 con heo nái và 23 con heo thịt của gia đình tôi bị chết buộc phải tiêu hủy. Mặc dù từ cuối tháng 6, xã Ia Le đã công bố hết dịch nhưng tôi và một số hộ dân trong thôn vẫn chưa dám tái đàn. Hiện UBND xã đã lập danh sách và thông báo với gia đình tôi chuẩn bị nhận tiền hỗ trợ hơn 44,6 triệu đồng. Hàng ngày, tôi vẫn thường xuyên vệ sinh chuồng bằng cách rắc vôi bột và phun thuốc để diệt mầm bệnh, chờ khi có kinh phí hỗ trợ sẽ tái đàn. Nhưng chắc lần này tôi cũng chỉ dám nuôi lại 1-2 con thôi, nếu ổn định thì mới nuôi với số lượng lớn”. 
Ông Nguyễn Công Trình-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pưh-cho biết: Ngày 7-8, huyện đã công bố hết dịch tả heo châu Phi trên địa bàn. Nhưng sau đó lại xuất hiện ổ dịch mới tại xã Ia Rong và thị trấn Nhơn Hòa nên đến ngày 30-9, huyện tiếp tục công bố hết dịch lần thứ 2. Hiện tại, UBND huyện đã phân bổ hơn 1 tỷ đồng cho các xã để hỗ trợ kịp thời cho người dân bị thiệt hại. Ngoài ra, để giúp người dân tái đàn, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tổ chức 2 lớp tập huấn tại xã Ia Le và thị trấn Nhơn Hòa với hơn 80 hộ tham gia; đồng thời khuyến cáo người dân nếu chưa tái đàn heo thì nên chuyển đổi tạm thời sang các loại vật nuôi khác như dê, gia cầm để phát triển kinh tế.   
Trao đổi với P.V về vấn đề này, ông Đoàn Ngọc Có cho biết thêm: Sau khi một số địa phương công bố hết dịch tả heo châu Phi, Sở đã gửi văn bản hướng dẫn về việc tái đàn. Theo đó, người dân chỉ tái đàn sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy heo hoặc sản phẩm heo bị nhiễm bệnh và thực hiện các biện pháp phòng-chống dịch theo quy định. Chuồng nuôi cần được đặt ở vị trí cao ráo, thoáng mát và thực hiện nuôi nhốt, không thả rông và phải tách biệt với khu sinh hoạt của gia đình cũng như khu dân cư xung quanh.
“Đặc biệt, khi tái đàn, người dân chỉ nên nuôi với số lượng ít. Sau khi nuôi được 30 ngày, người dân lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh dịch tả heo châu Phi thì mới mở rộng quy mô. Giống nhập về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả heo châu Phi, phải được kiểm dịch và có giấy chứng nhận kiểm dịch. Thức ăn cho heo phải có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng và an toàn. Trường hợp sử dụng thức ăn tận dụng phải được xử lý nhiệt trước khi cho heo ăn, không sử dụng thức ăn thừa. Người dân cũng cần thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi để khi phát hiện bệnh thì xử lý kịp thời và khai báo ngay với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo.
 LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm