Sẻ chia khó khăn với trẻ em ở vùng sâu, xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội, trẻ em ngày càng được quan tâm, chăm sóc tốt hơn- đó là thực tế không thể phủ nhận, nhất là với trẻ em sống ở khu vực đô thị. Tuy nhiên, với trẻ em vùng sâu, vùng xa nơi điều kiện kinh tế khó khăn thì chưa hề hết khó.
Chúng tôi vừa có chuyến công tác về với huyện Kông Chro (Gia Lai) cùng cán bộ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội- một trong những huyện nghèo khó của tỉnh để tìm hiểu cuộc sống của trẻ em. Quả thực, dù cuộc sống bà con Kông Chro đã có nhiều khởi sắc so với trước đây, song so với các khu vực khác, thì trẻ em ở đây vẫn chịu quá nhiều thiệt thòi, nhất là các em nhỏ người dân tộc Bahnar.
Các cháu học sinh Trường Mầm non An Trung tập văn nghệ cho ngày 1-6. Ảnh: Lê Hòa
Các cháu học sinh Trường Mầm non An Trung tập văn nghệ cho ngày 1-6. Ảnh: Lê Hòa
Gian nan chuyện học
An Trung là một trong những xã nhận được nhiều sự quan tâm, ưu ái của huyện Kông Chro trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho giáo dục. Hệ thống trường, lớp cấp I và cấp II ở đây khá ổn định so với các xã khác, tuy nhiên, đối với bậc học mầm non thì vẫn còn nhiều khó khăn.
Trường Mầm non An Trung hiện có 267 học sinh, trong đó có trên 90% là học sinh dân tộc Bahnar, đa số gia đình các em kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù “mang tiếng” là trường điểm nhưng nhà trường cũng đang gặp phải vô vàn khó khăn do phải sống chung với… nhiều thiếu thốn.
“So với nhu cầu thực tế, chúng tôi còn thiếu 4 giáo viên. Giáo viên hiện có của trường hầu hết đều mới chỉ được đào tạo theo chương trình chuẩn của Bộ Giáo dục-Đào tạo, trong khi thực tế lại phải dạy chương trình 26 tuần, phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc Jrai, Bahnar. Hơn nữa, dù được tập huấn song vẫn rất hạn chế do rào cản ngôn ngữ, nhất là bậc học mầm non khi các em lần đầu tiên tiếp xúc với tiếng phổ thông. Khu nhà làm việc cho giáo viên chưa có nên lớp học cũng là nơi làm việc của giáo viên. Đồ dùng học tập hạn chế, nhà trường phải vận động các cô tự sáng tạo, thiết kế. Khốn khổ nhất là thiếu lớp học. Xã có 13 khu vực nhưng mới chỉ có 2 điểm xây dựng được lớp học, 7 điểm trường phải học nhờ tại nhà rông, thậm chí là nhà dân, số còn lại vẫn chưa mở được điểm trường. Tình trạng học ghép là chuyện chẳng đặng đừng”- cô Nguyễn Thị Thanh Anh- Hiệu trưởng Trường Mầm non An Trung, chia sẻ.
Nói về khốn khó của việc dạy và học ở Kông Chro, ông Nguyễn Chí Thanh- Phó Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện thừa nhận: “Đây là tình trạng chung của tất cả các trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa”.
Điểm vui chơi: Mơ về nơi xa lắm…
Ăn, học và vui chơi là những nhu cầu của trẻ em. Tuy nhiên, với các em học sinh ở Kông Chro, chuyện học đã khốn khó, nói đến điểm vui chơi ắt sẽ xa vời hơn. Tại điểm Trường Mầm non An Trung nằm ngay trung tâm xã nên được đầu tư hệ thống khu vui chơi cho các em tương đối khá với xích đu, nhà banh, cầu trượt… nhưng sân trường vẫn là nền đất, bụi bặm.
Nhân Tháng Hành động vì trẻ em, tối 3-6, Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức đêm giao lưu truyền hình trực tiếp quyên góp gây quỹ ủng hộ các em nhỏ tàn tật, trẻ mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình sẽ tổ chức đấu giá từ thiện sim điện thoại số đẹp: 01689877777. Ban tổ chức mong nhận được sự tham gia của quý độc giả trong và ngoài tỉnh.
Mọi tấm lòng hảo tâm ủng hộ cho các em, quý vị có thể gửi tới Báo Gia Lai- 2A Hoàng Văn Thụ- TP.Pleiku- Gia Lai, hoặc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Gia Lai, 02 Hai Bà Trưng-TP. Pleiku.
Với các điểm trường làng, khu vui chơi là chuyện “mơ về nơi xa”. Sống trong bộn bề khó khăn, sự chung tay góp sức từ phía gia đình lại rất hạn chế nên các em nhỏ phải chịu thiệt thòi. Đồ học, đồ chơi gần như chỉ trông chờ vào bàn tay khéo léo và sự chịu thương, chịu khó của những cô giáo cắm làng.
Ông Nguyễn Chí Thanh- Phó Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện cho biết: “Trên địa bàn huyện đến thời điểm này chưa có xã nào được đầu tư xây dựng khu vui chơi riêng cho trẻ, có được khu vui chơi như Trường Mầm non An Trung là cố gắng lắm rồi. Phần vì vùng khó, phần vì các trường mầm non mới được tách ra từ các trường tiểu học từ năm 2003 nên cơ sở vật chất dạy và học, vui chơi vừa thiếu, vừa xuống cấp. Bởi vậy, cô và trò đều phải cố gắng khắc phục!”.
 
Điều kiện học hành khó khăn, điểm vui chơi hạn chế- đó là thực tế đã và đang diễn ra ở vùng sâu, vùng xa. Sự thiếu thốn đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thể chất, trí tuệ của các em sau này. Để gỡ khó cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa vẫn cần lắm sự chung tay sẻ chia của cộng đồng và xã hội.
Lê Hòa


Có thể bạn quan tâm