Thời sự - Bình luận

Sẽ thôi định biên cào bằng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

 Ba địa phương Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng có thể tạm thở phào khi Bộ Nội vụ đề xuất xác định số biên chế công chức phường theo quy mô dân số trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến việc tổ chức chính quyền đô thị tại 3 địa phương này.

Những đô thị lớn với yêu cầu phát triển nhanh chóng để có thể đóng vai trò là hạt nhân dẫn dắt cho sự phát triển vùng, liên vùng như các địa phương trên bấy lâu nay rất chật vật bởi quy định khắt khe về biên chế, nhất là cấp phường, xã. Với 15 biên chế cho mỗi phường theo cách đánh đồng như hiện nay thì nói thẳng chỉ tiếp nhận hồ sơ không đã không đủ người.

Thử xét riêng về TP HCM, quận Bình Tân có dân số 784.000 người, huyện Bình Chánh 705.000 người, quận Gò Vấp 676.000 người… Những quận, huyện này dân số cao hơn rất nhiều tỉnh nhưng bộ máy chỉ bằng một huyện bình thường thì làm sao cáng đáng nổi công việc. Ví dụ cụ thể: xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) có đến 124.000 dân và phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) có 123.000 dân (cao hơn dân số của 20 thành phố khác trên cả nước) nhưng bộ máy chính quyền chỉ giới hạn bình quân 15 người như một xã có vài ngàn dân thì quá vô lý.

Điều quan trọng hơn, những đô thị trên đang cáng đáng nhiệm vụ là trọng điểm kinh tế vùng, làm trung tâm phát triển của cả khu vực nên công việc càng bề bộn và yêu cầu chất lượng cán bộ rất cao để đáp ứng. Chỉ một phường thôi, có khi gánh vác cả trăm dự án kinh tế gồm các lĩnh vực từ đô thị đến bến cảng, từ siêu thị đến du lịch, văn hóa, giao thông… Tìm cán bộ hiểu việc đã khó chứ nói gì đến phải giỏi để điều hành hoạt động chung cả phường. Những khó khăn này đã kéo dài rất nhiều năm và rất nhiều cán bộ cấp xã, phường phải nghỉ việc để tìm việc khác nhẹ nhàng hơn, thu nhập tốt hơn. Lãnh đạo TP HCM cũng đã nhiều năm kiến nghị, đề xuất có cơ chế riêng để phát huy được những ưu thế của thành phố lớn nhất, đóng góp ngân sách cao nhất nước nhưng đến nay vẫn còn chờ kết luận cuối cùng.

Ở bình diện chung, chúng ta hiểu bộ máy nhà nước với số biên chế quá lớn như hiện nay gây áp lực rất lớn với ngân sách quốc gia. Chính sách tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức được thực hiện nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thu được kết quả như mong muốn. Cách tính biên chế cơ học trong khi "miếng bánh" ngân sách khá hấp dẫn nên không ít địa phương thực hiện giảm biên chế thiếu thực chất và mang tính đối phó. Một số địa phương khác khư khư giữ biên chế dù dân số thấp, phát triển rất kém, kinh tế ì ạch. Nguồn thu của các địa phương này còn không đủ trả lương cho bộ máy hưởng lương từ ngân sách nhưng phải duy trì vì vẫn đúng quy định. Những bất cập này đang gây khó khăn đối với bài toán nhân lực đối với các địa phương trọng yếu trong các chính sách phát triển chung của đất nước.

Tổ chức chính quyền đô thị đối với Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng có vai trò quan trọng đối với kế hoạch phát triển chung của quốc gia. Vấn đề này phải được tập trung đầu tư nhân lực, vật lực và cơ chế chính sách thuận lợi. Tổ chức bộ máy phục vụ người dân rất quan trọng nên không thể bó buộc mãi trong cơ chế mà chính các cơ quan Trung ương đã thấy là còn bất cập.

Theo Phạm Hồ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm