Sen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu thường hay ngắm nhìn, sẽ nhận ra có một điểm chung giữa hoa sen và huệ trắng-  loài huệ đơn thường mọc ở phía triền sông và mùi hương không thể lẫn vào đâu được. Không chói gắt, không nồng nã và cũng không hề vồn vã, cả sen và huệ đều làm chùng lòng người bằng vẻ nhu mì và khiêm nhường hương sắc. Nhưng nếu như huệ đôi khi bí ẩn như nụ cười nàng Monaliza thì sen lại thuần hậu như chiếc áo bà ba nơi người thiếu nữ...
Có một thời, tôi thích sen bởi lao xao hoa và lao xao lá. Lao xao những sáng tinh sương hay những chiều chưa phai nắng nào đó, ôm một tay sen hay đi giữa con đường nhỏ bời bời hương sen và tóc gió... Xốn xang của những mùa sen cũ, giờ thành dư vị của nỗi nhớ. Đôi khi ngỡ đã phôi pha lại bị đánh thức bởi màu sen và hương sen ngan ngát trong chiều nắng. Với một chút ít đễnh đãng thôi. Mùi hương như cái giật mình nhè nhẹ...
“Đời sen” của tác giả Trần Bích
Ở tuổi mình, tôi không thấy sen ở vẻ đài các mảnh mai. Nghĩ cho cùng thì bất cứ sắc màu nào và loài hoa nào cũng là cái đẹp của sự dâng hiến. Nhưng ở sen, còn là cái đẹp của sự tận tụy. Thoạt tiên, là vẻ đẹp rạng ngời nơi búp sen thiếu nữ. Rồi cái đẹp lặn vào dịu dàng thiếu phụ... Những ngày cuối hạ, người dân quê tôi vẫn bán những bông sen cuối mùa bên cạnh những hạt sen ngời trắng. Lúc này thì tôi nhận ra rằng, không chỉ đơn thuần mang đến cho người đời cái đẹp và cái có ích, người quê tôi đang gửi đi một ngụ ý, một thông điệp về đời sen và của sen. Có lẽ vì tất cả những điều này mà sen đã mặc nhiên thuộc về nữ tính.
Tôi đã bắt gặp những điều ấy khi dừng lại ở những bức sen trong triển lãm Sen của nghệ sĩ Trần Bích. Còn nhiều hơn về một vẻ đẹp, một thuộc tính, sen trong những tác phẩm của người nghệ sĩ ngẫu hứng này mang đến cho người đời cái nhìn về cuộc đời và thân phận. Về sự chở che, đùm bọc và ấm áp hơn cả sự cứu rỗi. Cái e ấp rạng ngời, cái tàn tạ tái sinh, cái tràn trề mãnh liệt lẫn vào nhau trong những khuôn hình có khi chỉ có một bông sen thôi, vẫn minh triết với đời bằng vẻ trong trẻo rạng rỡ sắc hồng, cái ngọt ngào nâng niu che chở của phiến lá cả khi đang xanh, hay ngay cả khi đã khô úa và héo rũ. Những khuôn hình mà tôi đồ rằng, còn lớn hơn cả niềm đam mê, sen đã trở thành điệp khúc sáng tạo. Những lúc như thế, sen đã trở thành ám ảnh thuần hậu, nó không làm chới với mà cứ làm người như lạc vào cõi mê. Ấy là khi Trần Bích buông chốn thương trường để đắm đuối với sen...
Thì hãy cứ một lần dừng bước, để cùng yêu thương, với sen, cùng Trần Bích...
Hồng Hạnh

Có thể bạn quan tâm