Shipper: Việc không dễ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ cần có phương tiện đi lại, điện thoại và sức khỏe tốt, bất cứ ai cũng có thể trở thành một shipper-người giao hàng. Điều đó vô tình khiến nhiều người lầm tưởng đây là công việc nhàn hạ, nhưng có lẽ, sự vất vả, gian nan thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu.

"Năng nhặt chặt bị”

 

Ảnh minh họa

Đến với công việc giao hàng một cách rất tình cờ, nhưng rồi vì nhiều nguyên do khác nhau, đến nay, anh Nguyễn Công Danh (đường Lý Thái Tổ, TP. Pleiku) đã có thâm niên gần 2 năm làm shipper. Số lượng đơn hàng mỗi ngày anh giao đến vài chục địa chỉ khác nhau, ở khắp các tuyến đường nội-ngoại thành. Công việc chính của anh là chụp ảnh và làm ảnh tại nhà, còn giao hàng chỉ là việc… phụ để kiếm thêm thu nhập. Mặc dù vậy, anh luôn quan niệm, dù chỉ là việc làm thêm nhưng đã nhận thì phải làm hết trách nhiệm, sắp xếp thời gian cho hợp lý, đảm bảo giao hàng đúng thời gian khách yêu cầu. Shipper Nguyễn Công Danh cho biết: "Mình chủ yếu giao đồ ăn vặt: bánh, trái cây, đồ chế biến sẵn… nên thời gian tập trung vào khoảng 9-10 giờ sáng và 2-4 giờ chiều; cũng có thời điểm đơn hàng nhiều, phải làm thâu trưa hoặc đến tận chiều tối. Nghề này không tốn quá nhiều thời gian và chỉ cần chịu khó một chút cũng sẽ có thêm nguồn thu nhập kha khá. "Mình không nhận tiền ship (phí vận chuyển-P.V) trên từng đơn hàng mà nhận vào cuối tháng để có một khoản nhất định dành đóng tiền học cho con. Mỗi tháng trừ tiền điện thoại, chi phí xăng xe, mình còn nhận hơn 2 triệu đồng"-anh Danh chia sẻ.   

Bạn Nguyễn Thị N.-một shipper chuyên nghiệp với 4 năm trong nghề, cho rằng: Công việc giao hàng không mang lại những khoản tiền lớn ngay lập tức nhưng nếu "năng nhặt chặt bị”, chịu khó một chút mỗi tháng cũng có thêm vài ba triệu đồng. Hiện, N. đang là nhân viên của một bưu điện tuyến huyện và công việc chính là giao công văn, giấy tờ và hàng hóa quanh thị trấn. "Nghe có vẻ gần chứ ngày nào em cũng chạy xe lòng vòng hơn 10 km. Vài năm trước, công việc giao hàng không được tính tiền riêng mà tất cả đều gói gọn trong lương nhưng bắt đầu từ năm 2016, ngoài lương, tụi em còn có thêm khoản thu trên từng gói sản phẩm. Cụ thể, trong vòng 48 giờ, nếu ship thành công gói hàng bảo đảm thì em có thêm 1.000-2.000 đồng; ship hàng chuyển phát nhanh là 5.000 đồng/sản phẩm và gói bưu kiện thì được 10.000 đồng/sản phẩm"-N. cho hay. Có kinh nghiệm trong việc giao hàng nên tranh thủ những lúc rảnh rỗi hoặc những ngày nghỉ, N. còn nhận ship ngoài để có thêm thu nhập. Mỗi sản phẩm nếu giao thành công, N. sẽ có 15.000 đồng, ngoài ra, với thâm niên lâu năm nên hàng tháng, N. còn có thêm tiền cộng tác viên và tiền hỗ trợ xăng xe.

Cũng lắm gian nan

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin khiến cho việc kinh doanh, mua sắm qua mạng ngày càng trở nên phổ biến và đây cũng là lý do để nghề giao hàng trở nên…hot. Còn các "Thượng đế”, họ không mất thời gian đi lại giữa thời tiết nắng nóng, mưa bão, chỉ cần ngồi một chỗ lướt web hoặc nhấc điện thoại, vài chục phút sau, tất cả những sản phẩm yêu cầu đều xuất hiện cùng với một shipper. Và theo cách nói của một vài shipper thì giao hàng là công việc "bán mặt ngoài đường", chẳng kể nắng, mưa, cứ khi nào khách yêu cầu thì họ phải lên đường.

Shipper Nguyễn Công Danh cảm thán: "Khi mới nghe qua, nhiều người cứ nghĩ nghề này cũng nhẹ nhàng, không tốn quá nhiều thời gian lại cho khoản thu nhập ổn định, nhưng thực chất không có việc nào là dễ dàng. Thời gian đầu chưa quen với công việc, nghe khách hàng gọi điện hối chuyển hàng, mình vội vàng nhận hàng và lái xe chạy thật nhanh cho kịp. Đến khi bị Công an thổi còi, nhìn lại mới biết mình vừa vượt đèn đỏ và tiền công của ngày hôm đó không đủ để nộp phạt". Cũng theo anh Danh, nghề giao hàng luôn phải chịu áp lực về thời gian. Có nhiều khách hàng khó tính, họ luôn đòi hỏi phải giao đúng giờ, nếu xê dịch là hủy đơn hàng; cũng có một số khách hàng, hẹn giao nhưng khi đến nơi lại không bắt máy điện thoại hoặc bắt đứng chờ giữa trời nắng cả 10-20 phút…

Riêng shipper Nguyễn Thị N. cũng không ít lần bị khách hàng làm khó dễ, thậm chí bù lỗ tiền xăng xe, điện thoại vì khách không chịu nhận hàng. N. kể: "Có lần, em nhận chuyển một gói hàng là áo quần cách thị trấn gần 20 km, chạy xe xuống đến nơi, gặp được khách hàng nhưng khách một mực đòi phải mở hàng ra xem trước rồi mới nhận. Cũng có trường hợp, khách xem hàng xong không ưng ý, không chịu nhận hàng, coi như mình bù lỗ”…

Ngoài việc phải chạy lòng vòng ngoài đường, đối diện với mưa, nắng mỗi ngày thì điều khiến các shipper cảm thấy khó khăn hơn cả chính là sự thiếu cảm thông, thiếu tôn trọng của một vài khách hàng nếu chẳng may hàng bị giao chậm!

 Phương Dung

Có thể bạn quan tâm