Siết chặt công tác quản lý tài nguyên nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- L.T.S: Trước yêu cầu bảo vệ tài nguyên nói chung, tài nguyên nước nói riêng, Báo Gia Lai online đã có cuộc trao đổi với ông PHẠM DUY DU- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.

- P.V: Ông đánh giá như thế nào về tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nói chung, tài nguyên nước nói riêng ở Gia Lai?

Ông PHẠM DUY DU: Nước là tài nguyên rất quý sau con người. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, điều hành, hướng dẫn khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Quy định cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 56/2006/QĐ-UBND ngày 7-8-2006 là công cụ đắc lực giúp ngành quản lý tốt tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

Đến nay đã cấp 300 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, khai thác, sử dụng nước mặt, hành nghề khoan nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước đã được cấp. Các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất đã nâng cao nhận thức trong khai thác tài nguyên nước, hạn chế được những hậu quả sau này.

Một đoạn sông Ba bị ô nhiễm. Ảnh: Lê Anh

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn bộc lộ những yếu kém trong công tác quản lý. Đó là một số huyện, xã chính quyền ở đó còn buông lỏng quản lý; tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, hành nghề khoan nước dưới đất không được kiểm soát; chất lượng xả thải của các nhà máy, xí nghiệp chưa được bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.

Sở đang tham mưu UBND tỉnh lập quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, dự kiến cuối năm nay sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt. Khi có quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước sẽ giúp công tác quản lý đi vào nền nếp, khoa học và sẽ có những chuyển biến tích cực.

- P.V: Thời gian qua, báo chí có đề cập một số doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh làm ảnh hưởng đến tài nguyên nước, vậy hướng xử lý là như thế nào?

Ông PHẠM DUY DU: Đúng vậy, việc báo chí phản ánh một số doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh làm ảnh hưởng tới tài nguyên nước, thậm chí nghiêm trọng là sự thật. Tôi muốn kể ra đây hiện tượng dòng sông Ba bị cạn kiệt, ô nhiễm môi trường nước đều bắt nguồn từ việc một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khai thác, sử dụng tài nguyên và xả nước thải vào nguồn nước. Thủy điện An Khê- Ka Nak nằm ở thượng lưu sông Ba và là thủy điện thứ 2 trong tỉnh chuyển đổi dòng chảy từ sông Ba sang sông Kôn thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định (thủy điện Vĩnh Sơn đã chuyển một phần nước của lưu vực sông Ba tại huyện Kbang về huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định). Công trình thủy điện này do Ban Quản lý Thủy điện 7 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.

Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án công trình thủy điện An Khê- Ka Nak cam kết duy trì dòng chảy trên sông Ba dưới đập An Khê là 4 m3/s (44 triệu m3/năm). Trong khi đó, theo số liệu thống kê nhiều năm về khí tượng thủy văn của vùng thì, tại tuyến Ka Nak dòng chảy kiệt là 7,19 m3/s, tại tuyến An Khê là 10,7 m3/s. Thực tế hiện nay, sau khi thủy điện An Khê- Ka Nak chặn dòng, dòng chảy ở hạ lưu sau tuyến đập có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng, nhiều đoạn sông bị khô kiệt, đe dọa môi trường sinh thái trong vùng, thậm chí có nơi không còn nước để bảo đảm hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp và phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh...

Các nhà máy chế biến nông sản, sản xuất đường… xả ra môi trường một lượng nước thải khá lớn, chưa được xử lý triệt để làm ô nhiễm môi trường nước sông Ba, đặc biệt là Nhà máy Đường An Khê. Nhiều lần thanh- kiểm tra thấy rằng, hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chưa được đầu tư đúng mức. Các chỉ tiêu phân tích mẫu nước thải hầu hết vượt quy chuẩn Việt Nam hiện hành, trong đó chỉ tiêu BOD5 và COD vượt rất cao.

Bên cạnh đó, trên hai bờ suối Vối, suối Đá Bàn, nước thải từ các lò sản xuất tinh bột mì thủ công cũng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm sông Ba.

Để xử lý, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm công bố dòng chảy tối thiểu cho từng đoạn sông của sông Ba. Mặt khác, Thanh tra Sở phối hợp với Chi cục Bảo vệ Môi trường, UBND các huyện liên quan kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, đề xuất UBND tỉnh xử phạt hành chính và có biện pháp khắc phục hậu quả.


- P.V: Để quản lý, khai thác, sử dụng tốt tài nguyên nước, chúng ta cần làm gì, thưa ông?

Ông PHẠM DUY DU: Theo tôi, nên hướng tới một số vấn đề như: Lập quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước thật tốt, làm cơ sở khoa học cho công tác cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; ưu tiên và có chính sách thỏa đáng cho các nhà đầu tư khi đầu tư xây dựng các nhà máy, xí nghiệp theo cơ chế “Phát triển xanh”; các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, phát triển ngành phải được tính toán, lồng ghép với các yếu tố của biến đổi khí hậu; làm tốt công tác dự báo, cảnh báo giúp các nhà hoạch định chiến lược có tầm nhìn xa hơn; đề cao vai trò công tác thanh- kiểm tra, xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm luật định, không bao che, né tránh; củng cố đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nhất là ở cấp huyện, xã; hiện nay lực lượng này còn yếu và thiếu.

- P.V: Xin cảm ơn ông!

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm