Siết chặt kiểm tra trọng tải - Thương lái ép giá mì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ khi lực lượng chức năng siết chặt kiểm tra trọng tải, các thương lái mượn cớ chi phí vận chuyển tăng cao ép nông dân bán nông sản với giá thấp. Đó là thực trạng đang diễn ra tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ.

Ảnh: Lê Văn Ngọc

Những ngày cuối năm là thời gian cao điểm nông dân thu hoạch mì. Mỗi ngày, có hàng trăm lượt xe chở mì từ Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh theo quốc lộ 19B về Cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Từ ngày 5-1, khi lực lượng chức năng đặt trạm cân kiểm tra trọng tải lưu động trên tuyến đường này (tại địa bàn xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) khiến các xe chở quá tải không lưu thông được, tìm mọi cách vượt trạm. Thiếu tá Nguyễn Trọng Chín-Tổ trưởng tổ kiểm tra trọng tải cho biết, việc kiểm tra trọng tải trên tuyến đường được thực hiện 24/24 giờ. “Từ ngày đặt trạm cân đã xử lý, buộc hạ tải hàng trăm xe vi phạm. Nhiều xe quá tải đã tìm cách vượt trạm cân bằng cách đi vào các tuyến đường nhỏ, chúng tôi phải đuổi theo, yêu cầu quay hạ tải mới tiếp tục được lưu thông”.

Với việc làm gắt gao, quyết liệt của các cơ quan chức năng, các xe quá tải buộc phải hạ tải hoặc chở đúng tải ngay từ khi bốc hàng. Chính vì vậy, nhiều tài xế đã buộc phải tăng giá cước. Anh Dương, chủ xe tải chở hàng loại 8 tấn cho biết: “Trước khi đặt trạm cân, các thương lái thuê chở với giá 500.000 đồng/tấn xuống tới Cảng Quy Nhơn. Chi phí tiền dầu cho một chuyến đã mất 3 triệu đồng. Nếu chở đúng tải, chúng tôi sẽ không có lãi nên thường chở thêm mấy tấn. Khi đặt trạm cân, không chở thêm được nên chúng tôi phải tăng giá cước thì mới có lãi; còn việc giảm giá mua mì là do thương lái”.

Theo nhiều thương lái, thời điểm chưa đặt trạm cân, giá nông sản thu mua tại khu vực Cửa khẩu Lệ Thanh dao động ở mức 3.900-4.000 đồng/kg mì khô. Từ khi đặt trạm cân, các xe buộc phải chở đúng tải nên chi phí vận tải tăng cao, khiến các thương lái không có lãi, thậm chí lỗ. Nhằm tăng lợi nhuận, các thương lái đã “bắt tay” cùng nhau hạ giá mua nông sản xuống còn 2.500-3.000 đồng/kg mì khô. “Ngày hôm nay ở các khu vực khác giá mì là 3.800 đồng/kg, nhưng chúng tôi chỉ mua với giá chừng 3.000 đồng/kg. Giá vận tải tăng gần gấp đôi, nếu không giảm giá mua chúng tôi sẽ không có lãi. Như thế ai đi buôn làm gì nữa”-một thương lái tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cho biết.

Theo ông Trần Phi Thông-Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cho biết, từ khi đặt trạm cân, lượng mì nhập vào qua cửa khẩu đã giảm đi trông thấy. “Chúng tôi chặn ngay từ đầu cửa khẩu, những xe nào chở đúng tải từ Campuchia qua thì mới cho nhập nên nhiều xe không chở vào”. Ông Trịnh Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ xác nhận, trước khi có trạm kiểm tra thì giá mì cao, sau đó có giảm trên dưới 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo ông Thành, chủ trương đặt trạm kiểm tra trọng tải là hoàn toàn đúng đắn, còn việc thu mua mì là thỏa thuận giữa hai bên nên chính quyền rất khó can thiệp.

Việc đồng loạt hạ giá mì này khiến người nông dân chịu thiệt thòi khá lớn, nhưng vẫn phải ngậm ngùi bán với giá thấp hơn 1.000 đồng/kg so với đầu mùa vụ bởi mì là mặt hàng nông sản không thể tích trữ được lâu ngày.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm