Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và tăng cường kiểm soát tải trọng xe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo Liên bộ giữa Bộ Giao thông-Vận tải và Bộ Công an tại Hội nghị trực tuyến, triển khai thực hiện Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ vừa mới được tổ chức chiều 11-12 dưới sự chủ trì của Đại tướng Trần Đại Quang-Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng.
                  
Tại Hội nghị, sau khi nghe báo cáo thực trạng xe quá tải và ảnh hưởng của việc chở quá tải tham gia giao thông trên đường bộ đang diễn ra rất phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Qua công tác kiểm soát tải trọng xe năm 2013 cho thấy, trong tổng số xe được kiểm tra thì có đến 50% số lượng xe chở hàng hóa quá tải trọng cho phép, có xe vượt quá tải trọng đến 200%. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý vi phạm chở quá tải trọng đối với 26.255 xe, buộc hạ tải 76.534 tấn hàng, tước giấy phép lái xe 22.568 trường hợp, phạt tiền trên 57 tỷ đồng… 

Ảnh: Tiến Dũng
Ảnh: Tiến Dũng

Đại tướng Trần Đại Quang đã chỉ đạo: Bộ Công an, Bộ Giao thông-Vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần quán triệt sâu sắc chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ; có chương trình hành động, kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe. Các cơ quan truyền thông báo chí cần tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của xe quá tải đối với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông và ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; đồng thời phân tích rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị kinh doanh vận tải, các chủ phương tiện và lái xe trong việc chấp hành các quy định về kiểm soát tải trọng xe.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền định hướng dư luận để tạo đồng thuận xã hội trong việc ngăn chặn xe chở quá tải trọng cho phép; các quy định pháp luật về giới hạn tải trọng xe được lưu hành trên đường bộ, giới hạn tải trọng của công trình đường bộ và các quy định về xử lý hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.   

 

 
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, tình trạng các phương tiện vận tải đường bộ vi phạm chở hàng quá khổ, quá tải trọng cho phép diễn ra khá phổ biến, tập trung trên các tuyến quốc lộ 14, 19 và 25… Kết quả đã phát hiện và lập biên bản xử lý 1.735 phương tiện vi phạm, xử phạt hơn 1,220 tỷ đồng, buộc hạ tải 1.771 tấn hàng hóa. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4261 ngày 2-12-2013 chỉ đạo về việc phối hợp thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải thiết kế của xe hoặc quá tải trọng cho phép của cầu đường đối với xe ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ. Đây chính là điểm mạnh, khẳng định sự quyết liệt vào cuộc của UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo thực hiện công điện 1966 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch Liên bộ 12593 của Bộ Giao thông-Vận tải và Bộ Công an.

Đại diện Ban An toàn Giao thông các tỉnh, thành phố trong cả nước đều tập trung đánh giá thực trạng trong công tác thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ, chỉ ra những khó khăn, tồn tại và hạn chế của các địa phương; trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý tận gốc xe vận chuyển hàng hóa quá tải trọng ngay từ bến bãi và kho cảng. Đối với các chủ phương tiện và người lái xe cố tình vi phạm phải được xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật về giao thông đường bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý việc cho nhập các loại phương tiện xe vận tải độ chế với tải trọng lớn siêu trường-siêu trọng; tổ chức ký cam kết với các chủ xe, chủ doanh nghiệp vận tải, chủ hàng không được chở hàng vượt quá khổ, quá trọng tải được phép lưu hành trên đường bộ.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng nêu: Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông-Vận tải sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ-Ngành liên quan và các địa phương khẩn trương triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Triển khai thực hiện năm an toàn giao thông 2014 với chủ đề “siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và tăng cường kiểm soát tải trọng xe”. Trước mắt cần chú trọng triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về quản lý tải trọng xe. Tổng Cục Đường bộ-Bộ Giao thông-Vận tải và Tổng cục VII-Bộ Công an là đầu mối của mỗi bộ, có trách nhiệm giúp hai Bộ chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kế hoạch; thống nhất tham mưu cho lãnh đạo Liên bộ chỉ đạo việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng quá trọng tải một cách kiên quyết và nghiêm minh đúng quy định của pháp luật.

 

Trần Văn Nghĩa

Có thể bạn quan tâm