Thời sự - Bình luận

Siết kỷ cương, điều hành linh hoạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cho đến thời điểm này, việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên phạm vi nhiều địa phương để tăng cường ở mức tối đa hiệu quả phòng chống dịch Covid-19 là giải pháp cần thiết và đúng đắn.

 Tài xế Grab tại một điểm tiêm ở quận 7 (TP HCM) vào chiều 27-7 - Ảnh: Hoài Dương
Tài xế Grab tại một điểm tiêm ở quận 7 (TP HCM) vào chiều 27-7.  Ảnh: Hoài Dương


Song song đó, cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ, nghiêm khắc để răn đe những người còn chưa tuân thủ quy định phòng dịch, lơ là nhiệm vụ chống dịch. Bởi lẽ, vẫn còn đây đó tình trạng người dân không tuân thủ quy định 5K khi ra đường; ra đường trong tình huống không thật sự cần thiết; thậm chí, tổ chức ăn nhậu tại nơi đang thực hiện lệnh giãn cách, phong tỏa…

Tuy nhiên, bất cứ quy định nào cũng không tránh khỏi phát sinh vướng mắc trong quá trình thực thi. Việc áp dụng quy định quá chặt chẽ đôi lúc đã khiến người dân, doanh nghiệp và chính lực lượng thực thi công vụ gặp khó khăn, phiền hà. Chẳng hạn, có tình huống bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) nhưng địa chỉ cư trú ở tỉnh Long An đã bị "mắc kẹt", không thể đi làm sau quyết định người lao động từ vùng có dịch, đặc biệt là TP HCM, phải cách ly tại nhà. Hay, có câu chuyện bánh mì cùng nhiều mặt hàng thiết thực khác với cuộc sống người dân bị coi là "không thiết yếu".

Áp dụng quy định nghiêm, chặt chẽ là cần thiết song cần có thêm những văn bản hướng dẫn cụ thể, mềm dẻo hơn để giải quyết những vướng mắc đã phát sinh trong thực tế. Như thế, lực lượng thừa hành mới có cơ sở để làm việc một cách hợp lý, tránh gây bức xúc không đáng có cho người dân.

Ngoài ra, không nên duy trì quy định đóng khung hạn hẹp về hàng hóa thiết yếu, thay vào đó, có thể áp dụng nguyên tắc tương tự như trong Luật Doanh nghiệp, đó là mọi hàng hóa không bị cấm thì sẽ được chấp nhận lưu thông.

Đặc biệt, cần sớm tổng kết hiệu quả của mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" dựa trên đặc thù địa phương, vùng miền để có điều chỉnh hợp lý. Mô hình này áp dụng thành công ở phía Bắc song có thể chưa phù hợp với phạm vi rộng lớn của 19 tỉnh, thành phía Nam. Chưa kể, đặc điểm của làn sóng dịch bệnh lần này đã khác xa những lần trước về mức độ, tốc độ lây nhiễm. Tiếp đó, cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động để tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi giá trị, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương cũng như tăng trưởng chung của đất nước.

Chính phủ và địa phương cũng cần lưu tâm nhiều hơn nữa đến đối tượng phải hứng chịu khó khăn trực diện từ việc thực hiện Chỉ thị 16 để phòng chống dịch bệnh là khu vực kinh tế phi chính thức. Lao động tự do tại khu vực phía Nam, nhất là ở TP HCM, rất đông. Chính sách an sinh dành cho họ càng tốt bao nhiêu thì sẽ càng tránh được nhiều mối bất ổn liên quan đến an ninh trật tự. Chưa kể, giữ chân người ngoại tỉnh tạm thời ở lại các thành phố lớn trong thời điểm này cũng là một cách giảm gánh nặng về bảo đảm an toàn dịch bệnh trong quá trình họ phải di chuyển về quê. Trong tình huống cần tổ chức đưa người dân ngoại tỉnh về quê, các địa phương cần có mối liên kết, trao đổi chặt chẽ để tránh vỡ trận, mất kiểm soát.

TS LÊ ĐĂNG DOANH
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm