Thời sự - Bình luận

Siết quản lý kinh doanh phòng gym

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Chỉ trong một thời gian ngắn, hai chuỗi phòng gym lâu năm tại TPHCM là Fit24 và Getfit Gym & Yoga tuyên bố tạm đóng cửa, dừng hoạt động. Quyền lợi của hàng ngàn hội viên sở hữu gói tập giá trị cao tại những phòng tập này đang bị treo lơ lửng.

Họ đã bỏ ra khoản tiền lớn để đăng ký các khóa học, mua gói tập dài hạn, thuê huấn luyện viên cá nhân, nhưng nhiều khả năng khó đòi lại được do thiếu căn cứ pháp lý.

Thông thường, các phòng tập bán “gói dịch vụ” kèm các ưu đãi, nên một trong những điều khoản ràng buộc trong hợp đồng là “khoản tiền và gói thẻ đã thanh toán không được hoàn trả”. Chưa thể quy kết việc các chuỗi phòng gym đóng cửa là một vụ việc có dấu hiệu lừa đảo. Nhưng về góc độ giao dịch dân sự, các phòng tập cần có trách nhiệm với những khách hàng đã tin tưởng sử dụng dịch vụ. Người tập - khách hàng có thể khiếu kiện để đòi lại tiền do chưa sử dụng đầy đủ dịch vụ đã được cam kết cung cấp theo các gói, nếu đơn vị cung cấp chây ì, không giải quyết. Nhưng đó là chuyện chẳng đặng đừng.

Bản chất của các “gói” luyện tập dài hạn không chỉ là chuyện “mua 1 lần để hưởng quyền lợi” mà còn có liên quan đến chế độ, kế hoạch phát triển cơ thể, sức khỏe thông qua lịch trình và phương pháp tập luyện thể thao. Vậy nhưng những người mua dịch vụ không biết bị ngưng hoạt động bất kỳ lúc nào trong khi đây là hình thức “trả tiền trước - nhận dịch vụ sau”. Vì thế không thể không đặt dấu hỏi về công tác giám sát đối với loại hình dịch vụ này.

Hoạt động của các trung tâm gym là một hoạt động kinh doanh có điều kiện, giấy phép do Sở VH-TT địa phương cấp vì đây là lĩnh vực tập luyện thể chất. Các cơ sở phải hội đủ các yêu cầu về không gian, đội ngũ y tế tại chỗ, HLV có chứng chỉ, bằng cấp của ngành thể thao… Với phong trào “nhà nhà, người người” đi tập gym thì ngoài những hệ thống phòng tập lớn, có thương hiệu còn có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn phòng tập quy mô nhỏ, nằm sâu trong các khu dân cư. Vì thế rất khó để các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát theo hình thức “hậu kiểm”. Bản thân ngành thể thao dù là nơi cấp phép nhưng không đủ nhân sự thực hiện công tác giám sát này.

Không chỉ là các phòng gym mà hiện nay số lượng phòng tập kick-boxing, yoga, fitness… cũng đang nở rộ càng làm phức tạp hơn cho công tác quản lý. Trước đây, những môn này được mở tại các trung tâm thể thao nên việc quy trách nhiệm cũng đơn giản. Nhưng khi số lượng người tập tăng lên do nhu cầu cuộc sống đô thị, thì cơ quan quản lý về thể thao bị quá tải. Nếu không xác định rõ được đơn vị quản lý các phòng tập, sẽ xảy ra tình trạng phòng tập tìm cách có được cấp giấy phép để tiến hành thu tiền người tập nhưng rồi sau đó thả nổi chất lượng tập luyện hoặc cắt giảm các tiêu chí bắt buộc có khi cấp phép.

Sự việc 2 hệ thống phòng tập lớn ngưng hoạt động hiện chỉ mới dừng ở các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền lợi tài chính của người tập luyện dài hạn. Nhưng cũng đã đến lúc phải xem xét lại công tác quản lý, phân công giám sát đối với loại hình kinh doanh này, tránh việc sau các hậu quả về tiền bạc sẽ đến hậu quả về sức khỏe khi người tham gia không được tập luyện đúng cách hoặc sai phương pháp, lộ trình.

Theo YẾN PHƯƠNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm