Ít ai biết về sự tồn tại của một hành tinh có tên LHS 3844b, nhưng giờ đây nó đã nổi tiếng trong giới khoa học: Đây là hành tinh đầu tiên bên ngoài hệ mặt trời có vẻ như đang xảy ra hoạt động kiến tạo.
Mô phỏng hành tinh LHS 3844b - ẢNH: Đại học Bern |
Theo báo cáo đăng trên chuyên san The Astrophysical Journal Letters, LHS 3844b được liệt vào nhóm “siêu Trái đất”, với bán kính chỉ nhỉnh hơn Trái đất khoảng 1,3 lần và khối lượng gấp 2,25 lần.
Hành tinh đang xoay quanh một sao lùn đỏ, dạng sao phổ biến nhất trong Dải Ngân hà, cách chúng ta khoảng 49 năm ánh sáng, ở chòm sao Ấn Đệ An.
Chứng cứ thu được dựa trên các mô phỏng thông qua việc quan sát hành tinh đá, có kích thước nhỉnh hơn Trái đất.
Điểm quan trọng trong cuộc nghiên cứu này là LHS 3844b dường như không có khí quyển. Phân nửa hành tinh ở trong tình trạng đối diện vĩnh viễn với mặt trời, có nghĩa là nhiệt độ ở khu vực “ban ngày” lên đến 800oC, và – 250oC ở phía “đêm tối”.
“Chúng tôi đã cho rằng tình trạng đối kháng nhiệt độ nghiêm trọng trên bề mặt LHS 3844b có thể ảnh hưởng đến chuyển động vật chất bên trong hành tinh”, theo nhà thiên văn học Tobias Meier của Đại học Bern (Thụy Sĩ).
Tuy nhiên, dựa trên quan sát về độ sáng và nhiệt độ có thể của đối tượng, chuyên gia Meier và đồng sự cho rằng đang có dòng chảy ở mức độ trải rộng khắp bán cầu bên trong lòng đất, nhưng rất khác so với địa cầu.
Trong trường hợp Trái đất, các đĩa kiến tạo đưa vật chất từ phía lõi lên mặt đất và khí quyển, trước khi quay về bên dưới lớp vỏ Trái đất. Đây là cơ chế cho phép Trái đất có thể dung dưỡng sự sống.
Còn mô phỏng trên máy tính cho thấy LHS 3844b đang diễn ra một sự chuyển động vật chất vô cùng kỳ quặc, với một bên của hành tinh luôn sôi trào hoạt động của các núi lửa, trong khi bên còn lại vô cùng im ắng.
Tất cả là do sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn của hành tinh trên.
Theo HẠO NHIÊN (TNO)