Phóng sự - Ký sự

Sinh kế sau bão lũ: Xanh lại vựa rau miền Trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bão, lũ “quần thảo” tơi tả các vựa rau sạch, nhiều cánh đồng chuyên canh ở miền Trung, khiến nước mắt người nông dân chảy dài. Để gượng dậy sau nhiều tổn thất, quả thật không dễ...
 
Ông Nguyễn Năm tự tay chặt hạ hàng trăm cây đu đủ do mình trồng sau cơn lũ đi qua MẠNH CƯỜNG
Ông Nguyễn Năm tự tay chặt hạ hàng trăm cây đu đủ do mình trồng sau cơn lũ đi qua MẠNH CƯỜNG
“Cái tết này không thể trọn vẹn được rồi”
Giữa tháng 11, vùng trồng rau chuyên canh Bàu Tròn (xã Đại An, H.Đại Lộc), thủ phủ rau sạch của Quảng Nam, bùn non vẫn đang lấp kín các vườn rau quả của nông dân. Lưới che bảo vệ rau và bạt ni lông bị cuốn trôi, trộn lẫn trong đống bùn cát.
Ở vùng trồng rau rộng hơn 40 ha với 300 hộ dân tham gia sản xuất, đây là vựa rau quả lớn nhất cung cấp nguồn hàng cho cả Quảng Nam lẫn TP.Đà Nẵng. Nhưng sau nhiều đợt bão lũ dồn dập, những cánh đồng rau xanh tốt chạy dọc triền sông Thu Bồn đã không còn “diện mạo” cũ, thay vào đó là khung cảnh tả tơi, xơ xác. Nắng hửng đột ngột sau lũ càng khiến một số vườn ớt may mắn “né” được lũ quét cũng trở nên tàn úa, héo rũ...
Hàng chục héc ta bí đao, đu đủ, dưa leo, khổ qua, đậu ve... xuống giống phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2021 ở Bàu Tròn đã “gặp nạn” và nhiều nông dân không trở tay kịp. Ông Bá Tâm (51 tuổi, ở Phú Phước, xã Đại An), người có thâm niên gần 20 năm trồng rau quả tại cánh đồng Bàu Tròn, vẫn chưa tin vào mắt mình khi chứng kiến hơn 10 sào khổ qua của gia đình trôi theo con nước, số còn lại bị lũ cát bủa vây. Vợ chồng ông Tâm đầu tư hàng chục triệu đồng để trồng khổ qua và một số cây rau quả khác, giờ trắng tay. “Làm nông nên không khi nào dư dả. Tiền triệu với chúng tôi là lớn lắm. Để có vốn đầu tư vào vườn rau này, vợ chồng tôi phải vay mượn anh em, bạn bè. Cứ nghĩ sẽ kiếm được nguồn thu nhập lo cho con cái ăn học và sắm sửa tết, không ngờ… Mất trắng vụ rau, cái tết này không thể trọn vẹn được rồi”, ông Tâm buồn bã.
 
Vườn rau Bàu Tròn (Quảng Nam) không còn lại gì ngoài những cây đu đủ nằm ngả nghiêng ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Vườn rau Bàu Tròn (Quảng Nam) không còn lại gì ngoài những cây đu đủ nằm ngả nghiêng ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Từng nuốt nước mắt tự tay chặt hạ những cây đu đủ còn sót lại sau lũ, ông Nguyễn Năm (60 tuổi, ở xã Đại An) không khỏi tiếc nuối gần 300 cây đu đủ cũng đã xác xơ trên diện tích hơn 1.000 m2. Chỉ còn khoảng 2 tuần nữa sẽ cho thu hoạch, nhưng rồi lũ tràn về... “Với người nông dân, đây là tài sản lớn. Nhiều năm bỏ công chăm sóc, giờ chúng lấp trong bùn cát”, ông Năm nói.
Ông Nguyễn Văn Quang, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Đại Lộc, nhẩm tính có đến gần 800 ha cây trồng trên địa bàn huyện bị thiệt hại sau mưa lũ. Lũ rút, địa phương khẩn trương thống kê, đánh giá, tổng hợp thiệt hại và thực hiện các giải pháp khắc phục hậu quả.
“Đối với những hộ dân thiệt hại về cây cối, hoa màu trong đợt mưa lũ vừa rồi, huyện cũng đã thống kê và có phương án hỗ trợ cho người dân vượt qua thiệt hại khốc liệt của thiên tai”, ông Quang nói.
Không chỉ cánh đồng rau Bàu Tròn, ở Quảng Nam còn có làng rau Trà Quế (TP.Hội An) nổi tiếng với hơn 200 hộ trồng rau chuyên cung ứng cho thị trường Hội An, các siêu thị lớn tại Đà Nẵng... cũng gần như bị mất trắng. Nhiều hộ nông dân vì thế rơi vào tình cảnh đối mặt nhiều gian truân trong việc tìm lại sinh kế sau bão lũ.
 
Nhiều người dân ở Bàu Tròn tranh thủ xuống lại giống rau để gỡ gạc vụ rau tết ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Nhiều người dân ở Bàu Tròn tranh thủ xuống lại giống rau để gỡ gạc vụ rau tết ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Thấp thỏm xuống giống
Khi lũ đi qua, tranh thủ những lúc nắng ráo, nông dân vùng bãi biền Vu Gia, Thu Bồn lại hì hục kéo bùn non, thu dọn lưới bạt trong mớ hỗn độn. Nhiều hộ khác lo cày xới ruộng đất để kịp xuống giống lại, với hy vọng sẽ vớt vát phần nào. “Mất thì cũng đã mất rồi, còn chỉ hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nên tranh thủ nắng lên, tôi và vợ ra đồng xuống giống lại những cây rau ngắn ngày để kịp bán. Phải gắng gượng khôi phục thôi, chứ không thể bỏ đất trống thế này được”, anh Lê Tuấn (42 tuổi, ở xã Đại Cường) nói khi đang khẩn trương xuống giống đậu ve.
Theo anh Tuấn, cái khó khăn nhất của người nông dân trồng rau quả hiện nay là về cây giống cũng như nguồn lực để tái đầu tư sản xuất. Vì vậy, ngoài mấy sào rau vừa xuống giống thì hầu như cánh đồng rau Bàu Tròn với hàng chục héc ta giờ đang bị bỏ hoang.
“Trong 2 đợt dịch Covid-19, toàn bộ rau, củ bán không được, giá rớt thê thảm. Giờ vườn rau ngập lụt, gió bão chà xát không còn gì. Năm nay vừa hết dịch lại đến bão lũ liên tiếp khiến nhiều người dân mất hết cả vốn liếng đầu tư”, anh Tuấn chia sẻ.
Ở vựa rau sạch đạt chuẩn lớn nhất của TP.Đà Nẵng, những ngày giữa tháng 11, hàng chục nông dân thuộc Hợp tác xã rau sạch La Hường (P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ) cũng tranh thủ thời tiết có nắng để ra đồng tất tả dọn dẹp bùn đất, cày xới đất để vun những luống rau đầu tiên sau bão lũ. Khu vực này có gần 9 ha rau sạch, bị lũ nhấn chìm và chịu thiệt hại 100%.
Đang cật lực lái máy cày xới tơi đất để chuẩn bị xuống giống cho mùa vụ mới, ông Mai Văn Toàn (P.Hòa Thọ Đông) bảo gia đình vất vả dọn bùn non đã nhiều ngày qua, để khoảnh ruộng đủ điều kiện canh tác trở lại. Vườn rau nhà ông Toàn từng ngập ngụa trong bùn non, đất lấp mặt đường bê tông có nơi gần 50 cm. “Canh tác ở vườn rau La Hường nhiều năm, nhưng chưa bao giờ tôi thấy lũ lụt liên tiếp nối đuôi và kéo dài như vậy. Vườn nhà tôi cũng như nhiều nông dân khác thiệt hại toàn bộ. Khó khăn chồng chất khó khăn”, ông nói.
 
Vùng hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, H.Hòa Vang, Đà Nẵng) rục rịch vào mùa hoa tết ẢNH: HUY ĐẠT
Vùng hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, H.Hòa Vang, Đà Nẵng) rục rịch vào mùa hoa tết ẢNH: HUY ĐẠT
Cùng dọn vườn xuống giống nhưng nhiều nhà nông khác lại thấp thỏm lo. Bà Lê Thị Xảo (P.Hòa Thọ Đông) đã phải bỏ hoang đất trồng rau tại vườn nhà kể từ đầu tháng 10 đến nay, vì địa thế khu đất thấp, sợ mưa lớn kéo dài lần nữa thì kiệt sức chịu đựng.
“Khi nước dâng ngập, tôi chỉ kịp thu hoạch được ít rau muống. Đến nay nắng ráo mới tranh thủ dọn dẹp, nặng nhọc nhất là khâu cải tạo đất. Lo, nhưng rồi cũng phải cố gắng để chuẩn bị vụ mùa tết”, bà Xảo nói.
Mầm xanh sau lũ
Cũng theo ông Mai Văn Toàn, thường đến cuối tháng 10 âm lịch là thời điểm xuống giống rau phục vụ tết, như kinh nghiệm dân gian bao đời nay. Nhưng mưa lũ năm nay kéo dài khiến nguồn rau sạch thiếu hụt trầm trọng, các thương lái tại nhiều nơi hối thúc rau nên bà con nông dân tại vựa rau La Hường đã đánh liều xuống giống những loại rau ngắn ngày để kịp cung ứng cho thị trường.
“Rau sạch là nguồn sống của gia đình, đến nay thương lái hối thúc nên chúng tôi xuống giống… liều, trồng những loại ngắn ngày như rau muống, rau dền, mồng tơi… để kịp bán cho bạn hàng, các siêu thị lớn. Chúng tôi cũng xuống giống dần cho vụ mùa tết, nhưng vô cùng lo lắng vì sợ ông trời lại gió mưa bất thường”, ông Toàn nói.
Theo ông Phạm Hồng Vân, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật TP.Đà Nẵng, thời tiết bất thường khiến nhiều người trồng rau hiện chưa “mặn mà” chuyện gieo trồng, nhất là ở các khu vực bị ngập lũ như La Hường. Họ còn chờ đến sau 23.10 âm lịch mới mạnh dạn xuống giống để phục vụ thị trường, nhất là dịp tết.
Năm nay, nông dân nhiều tỉnh, thành miền Trung không chỉ ứng phó với 2 mùa mưa nắng mà còn oằn mình trải qua thêm 2 “mùa” khác nữa: dịch Covid-19 và mưa lũ. Một cái tết nữa đã cận kề và đây là thời điểm họ đang từng ngày gắng sức gượng dậy. (còn tiếp)
Người trồng hoa cũng “mong thời tiết ổn định”
Không chỉ tại các vùng rau truyền thống, ở một số vùng trồng hoa trên địa bàn TP.Đà Nẵng cũng rục rịch xuống giống để phục vụ Tết Nguyên đán 2021. Vùng hoa Dương Sơn (xã Hòa Châu, H.Hòa Vang) từng chịu thiệt hại nặng nề khi các chậu hoa vừa xuống giống đã vướng mưa bão kéo dài. “Mưa bão đã khiến nhiều chậu hoa cúc vừa nảy mầm bị ngập úng, phải thay toàn bộ. Vẫn mong sao thời tiết ổn định để người dân canh tác hiệu quả, có cái tết đầy đủ hơn”, bà Trần Thị Lanh (52 tuổi, trú xã Hòa Châu, H.Hòa Vang) tâm sự.
Theo Mạnh Cường-Huy Đạt (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm