(GLO)- Vài năm trở lại đây, dịch vụ sinh trắc vân tay không còn xa lạ ở các thành phố lớn. Tại Pleiku, nhiều gia đình cũng đã đưa con em đến những trung tâm ở TP. Hồ Chí Minh để tham gia sinh trắc vân tay với mong muốn hiểu rõ hơn về tính cách, tiềm năng của con nhằm định hướng tương lai tốt hơn. Tuy nhiên, xung quanh công nghệ này vẫn còn nhiều khen-chê.
Chị Lê Thị Thường (218/21/14 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) cho biết, tháng 7-2016, chị đưa 2 con gái vào tham gia sinh trắc vân tay tại một trung tâm ở TP. Hồ Chí Minh với mức giá 2,7 triệu đồng/người. Tại đây, các cháu được máy quét 10 dấu vân tay, sau 1 tuần thì quay lại nghe phân tích kết quả. Bản kết quả dài 30 trang phân tích khá chi tiết những thông tin về các chủng loại vân tay mà cháu đang sở hữu, số lượng vân tay liên quan đến số lượng tế bào thần kinh, các vùng não liên quan đến năng lực học tập bẩm sinh, độ nhạy bén khi xử lý thông tin, tính cách bẩm sinh, phong cách học tập và giao tiếp…; các thông tin về chỉ số cảm xúc, chỉ số thông minh, chỉ số vượt khó, chỉ số sáng tạo…
Từ những thông tin nền này, bản kết quả cũng đưa ra một số tư vấn đối với phụ huynh về phương pháp giáo dục và tương tác phù hợp như: nên thường xuyên thảo luận với trẻ, trao quyền và trách nhiệm cho trẻ, khen ngợi, động viên kịp thời, tránh áp đặt… Về phía trẻ là những lời khuyên về phương pháp tự rèn luyện như: nên đặt mình vào vị trí người khác, duy trì thái độ cởi mở, tránh ngạo mạn, tránh áp đặt người khác theo những tiêu chuẩn do mình đặt ra…
Chị Thường cho biết: “Khi cầm kết quả tôi thấy rất đúng. Nhất là với cháu lớn năm nay học lớp 11, cháu có khả năng tiếp thu nhanh nhạy, nhận thức vấn đề chuẩn xác”. Theo chị Thường, kết quả sinh trắc đã giúp gia đình hiểu rõ hơn về tính cách và năng lực bẩm sinh của con, từ đó có những định hướng về nghề nghiệp phù hợp hơn, giúp trẻ phát huy năng lực cá nhân theo lĩnh vực có thế mạnh; đồng thời quan tâm đến những điểm yếu để giúp con thay đổi theo chiều hướng tích cực. “Trước đó tôi định hướng cho con gái đầu học ngành Y vì cả 2 bên nội ngoại chưa từng có ai theo nghề này. Nhưng sau khi làm sinh trắc, tôi để con tự chọn, tự quyết định học chuyên ngành phù hợp theo năng lực, sở trường, sự yêu thích. 2 mẹ con thảo luận với nhau và cháu đã nhất trí chọn học chuyên ngành Ngoại ngữ để sau này có thể làm thông dịch viên hoặc giáo viên vì cháu có năng khiếu về ngôn ngữ… ”-chị Thường kể.
Đồng quan điểm, anh Đàm Văn Ngọc (204 Hùng Vương, TP. Pleiku) cho hay, bản thân anh và 2 con đều đã tham gia làm sinh trắc vân tay tại TP. Hồ Chí Minh, kết quả rất đúng. “Có người đánh đồng sinh trắc vân tay với bói toán, nhưng tôi không nghĩ vậy. Kết quả sinh trắc sẽ cho thấy rõ hơn tính cách, năng lực bẩm sinh của mỗi người. Thực tế cho thấy, con người nếu được đặt vào môi trường phù hợp thì sẽ phát huy năng lực tối đa và ngược lại. Đồng thời cũng có những người có năng lực tốt, nhưng tính cách lại có một số hạn chế khiến họ không thành công như mong muốn. Nếu qua nhận diện sinh trắc và có người hỗ trợ, định hướng thì mỗi người sẽ dễ đi đến thành công hơn”-anh Ngọc khẳng định. Trước đó, vốn giỏi Toán nên anh luôn mong muốn con cũng như mình; nhưng sau khi làm sinh trắc và qua thực tế thấy con không có năng khiếu đặc biệt về Toán thì anh không ép con nữa. “Nghề nào cũng có cái thú vị riêng của nó mà! Phụ huynh thường duy ý chí, áp đặt, nhưng không nên quá kỳ vọng vào năng lực mà con không có. Cần nhận diện đúng tính cách, năng lực của con để định hướng nghề nghiệp”-anh Ngọc vui vẻ nói.
Tiến sĩ Harold Cummins (1893-1976), cha đẻ của sinh trắc vân tay, là người đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm Dermatoglyphics (Khoa học vân tay). Các nghiên cứu và phát triển công nghệ được biết đến với tên gọi Phương pháp Cummins được chấp nhận là “các công cụ quan trọng trong việc truy tìm mối quan hệ về gen và tiến hóa”. Tuy nhiên, những năm gần đây, bất chấp sự thành công ở nhiều nước, công nghệ sinh trắc vân tay cũng bị nhiều người nghi ngờ về tính chính xác.
Nguồn: TTO |
Tuy nhiên, chị Trịnh Thị Phượng-một giáo viên ở huyện Đức Cơ (trú tại 66A Phan Đình Giót, TP. Pleiku) thì lại khá hoài nghi khi cho rằng kết quả sinh trắc “không có nhiều tác dụng, không biết có chính xác không?”. Từng đưa cả 3 đứa con (lớp 12, lớp 10 và lớp 2) vào TP. Hồ Chí Minh làm sinh trắc vân tay, chị Phượng kể: “Theo sinh trắc thì cả 3 cháu đều có chủng vân tay đặc biệt mà chỉ 2% dân số trên thế giới có, nếu trẻ nào sở hữu chủng vân tay này thì đặc biệt thông minh. Nhưng trên thực tế, tôi thấy cả 3 đứa con tôi không thể hiện năng lực, tố chất gì đặc biệt cả”. Vì vậy, chị Phượng cho rằng kết quả này là “không ăn thua, không giúp gì gia đình trong việc định hướng cho tương lai các con”.
Xung quanh việc làm sinh trắc vân tay hiện vẫn còn lắm khen chê, người ủng hộ nhiều mà phản bác cũng không ít. Tuy vậy, nhiều người khá đồng tình với quan điểm này của chị Lê Thị Thường: “Tôi không quá vui mừng khi kết quả phân tích cho thấy con tôi có tổng số lượng vân tay cao, chứng tỏ cháu thông minh. Bởi theo tôi, năng lực bẩm sinh chỉ quyết định 30% thành công của một con người, còn việc nỗ lực học hỏi, tự rèn luyện kỹ năng giao tiếp xã hội, khả năng thích ứng cũng như sự tác động của môi trường giáo dục (gia đình, nhà trường, xã hội) sẽ quyết định 70% còn lại. Do đó, tôi chỉ xem bản kết quả này như là một cuốn sách tham khảo để đầu tư, định hướng cho con tốt hơn”.
Lam Nguyên