Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Sinh vật biển độc địa nhất thế giới không còn đáng sợ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại học Sydney (Úc) cho biết họ vừa khám phá ra chất giải độc trong trường hợp bị cắn bởi sinh biển độc địa nhất thế giới - loài sứa hộp Úc.

Lượng nọc độc tiềm ẩn trong cơ thể một con sứa hộp Úc có thể giết chết hơn 60 người.

Theo báo cáo của đại học này, loài sứa này có khoảng 60 xúc tu có thể phát triển lên đến 3m. Mỗi xúc tu có hàng triệu cái móc siêu nhỏ chứa nhiều nọc độc. Chúng thường sống ở các vùng nước mặn ven biển, bao quanh phía Bắc và phía Tây nước Úc và Philippines.

Chuyên gia Greg Neely, một trong các tác giả công trình nghiên cứu trên, khẳng định không sinh vật nào khác có lượng độc tố cao như vậy. Nọc độc này có khả năng gây hoại tử mô, ngừng tim và nạn nhân sẽ tử vong ngay sau vài phút nhiễm độc. Nếu như may mắn thoát chết, nạn nhân sẽ bị đau đớn tột độ.

 

Sứa hộp Úc. Ảnh: WORLD ATLAS
Sứa hộp Úc. Ảnh: WORLD ATLAS



Nhóm nghiên cứu này đã sử dụng công nghệ chỉnh sửa gien được gọi là CRISPR để xác định cách nọc độc của sinh vật này giết chết các tế bào của con người. "Chúng tôi nghiên cứu về nọc độc của loài sứa lớn nhất, độc nhất và đáng sợ nhất này. Thuốc giải của chúng tôi có tác dụng đối với loài quái vật này nhưng chúng tôi chưa rõ liệu nó có tác dụng với các loại sứa khác hay không" - ông Neely cho hay.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện nọc độc này gây tổn hại nặng nề nhất cho da khi nó tương tác với cholesterol. Theo họ, các loại thuốc hiện có để loại bỏ cholesterol cũng có thể tác dụng như thuốc giải cho nọc độc hộp sứa nếu được sử dụng trong vòng 15 phút sau khi bị cắn.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng loại thuốc đặc hiệu cyclodextrins, dòng thuốc hấp thụ cholesterol, để ngăn chặn nọc độc.

Loại thuốc giải độc này đã được thí nghiệm trên các tế bào con người bên ngoài cơ thể và trên chuột. Các nhà khoa học hy vọng sẽ phát triển ứng dụng cho con người.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu loại thuốc giải này có hiệu nghiệm với những vết cắn nặng hay không.

Gia Minh (Theo CNN/NLĐO)

Có thể bạn quan tâm