Vừa học, vừa làm
Là sinh viên năm cuối, Nguyễn Thị Thu Huyền (SN 2001, theo học chuyên ngành báo mạng điện tử, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã hoàn thành các chứng chỉ đầu ra để xét tốt nghiệp.
“Lớp có hơn 40 người nhưng chỉ có 8 - 9 bạn mong muốn tìm kiếm công việc liên quan đến chuyên ngành báo chí. Số còn lại, nhiều bạn đã lựa chọn rẽ ngang sang những ngành nghề phù hợp với bản thân như thiết kế đồ hoạ, truyền thông, viết content, quảng cáo...” - Thu Huyền nói.
Chọn cách vừa học, vừa làm thêm trong suốt 4 năm học Đại học, Thanh Nhàn (sinh viên năm cuối chuyên ngành báo chí tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội) đã tận dụng khoảng thời gian 4 năm này để tiếp cận sâu hơn với ngành nghề mình đang theo học.
Theo Thanh Nhàn, bên cạnh việc học tập tại trường, em cũng mong muốn được cọ sát, thực hành nhiều để hiểu hơn về ngành học thông qua con đường làm cộng tác viên với các toà soạn tại Hà Nội.
Câu chuyện định hướng nghề nghiệp luôn là chủ đề “nóng” được nhiều sinh viên năm cuối theo học chuyên ngành báo chí tại Hà Nội quan tâm. Ảnh: Thu Giang |
“Việc học hỏi từ thực tế giúp cho nhiều sinh viên như em có thêm trải nghiệm, kinh nghiệm, sự hiểu biết, từ đó chúng em mới biết mình cần và phù hợp với ngành nghề nào” - Nhàn thông tin.
Sinh viên cần sớm định hướng nghề nghiệp
Trao đổi với Lao Động, cô Nguyễn Hà Linh - Giảng viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội - thông tin, việc có định hướng nghề nghiệp rõ ràng từ sớm giúp sinh viên có thêm nhiều lợi thế như tiết kiệm thời gian, chuẩn bị trước những kiến thức hay kinh nghiệm liên quan đến ngành nghề mình đã lựa chọn, từ đó đáp ứng yêu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp...
Cô Nguyễn Hà Linh cho rằng, các sinh viên hoàn toàn có thể lựa chọn con đường, định hướng nghề nghiệp ngay từ năm đầu khi đã đủ sẵn sàng mà không cần phải chờ đợi đến khi gần ra trường, tốt nghiệp đại học. Sinh viên nên chăm chỉ học tập, chủ động tích luỹ kiến thức, dành thời gian thực hành càng nhiều càng tốt để có thêm trải nghiệm thì lúc đó các em mới có thể tự định hướng, biết rõ mình phù hợp với điều gì.
Đề cập đến nội dung này, ThS Đinh Ngọc Sơn - Phó Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận định, ngày nay, hàng loạt trường Đại học đã và đang đào tạo lĩnh vực truyền thông và báo chí, cung cấp nguồn nhân lực lớn cho xã hội. Thêm vào đó, mạng xã hội bùng nổ cũng tạo nên một thế giới thông tin đa dạng ở mọi ngóc ngách xã hội.
Nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng, có khả năng sử dụng công nghệ hiện đại, bắt nhịp với yêu cầu thực tiễn.
Theo ThS Đinh Ngọc Sơn, cũng giống như ngành nghề khác, áp lực với nghề báo ngày càng lớn đòi hỏi người học phải liên tục cập nhật kiến thức, thông tin, phải sử dụng thành thạo công nghệ để phân tích thông tin sâu rộng hơn.
Giảng viên cần dạy cho sinh viên tính chủ động, tự học, tự tìm tòi, sinh viên không nên chỉ trông chờ vào các tiết học trên lớp, nhà trường, các em có thể cân đối vừa học vừa đi làm thêm để bổ sung kiến thức thực tiễn, tăng trải nghiệm.