Sinh viên tất bật "chạy sô"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hòa vào guồng quay hối hả những ngày cuối năm, sinh viên làm thêm cũng tất bật không kém với lịch làm việc dày đặc. Áp lực mùa thi cộng với áp lực từ công việc làm thêm khiến nhiều bạn đôi khi phải “quay như chong chóng”. Nhưng bù lại, các bạn trẻ cũng kiếm thêm cho mình những khoản tiền giúp trang trải cuộc sống hay thực hiện những đam mê, sở thích... khi năm mới đang đến.

Sinh viên làm thêm hiện đã không quá lạ lẫm đối với một bộ phận giới trẻ năng động. Nếu như trước đây, chỉ những sinh viên điều kiện khó khăn mới phải tìm việc làm thêm trang trải cuộc sống thì hiện nay, không ít bạn vẫn vừa cố gắng giữ phong độ trong học tập, vừa bước vào cuộc sống bằng những trải nghiệm “trước tuổi” này.

Tất bật chạy show

“Những tháng trước đây thường tụi em chỉ nhận được 3-4 show, từ tháng vừa rồi đã tăng lên gấp đôi, gấp ba lượng show múa cho đám cưới, lịch luôn dày đặc, nhất là những ngày cuối tuần”-Lê Thị Thảo Uyên, sinh viên năm 4 ngành Nông học-Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh-Phân hiệu Gia Lai, bắt đầu câu chuyện về việc làm thêm hiện tại của mình.

 

Một nhóm sinh viên làm hoa giấy để bán. Ảnh: L.H

Làm quen với công việc múa cho các đám cưới ngay từ khi bước vào năm 2 đại học, Thảo Uyên hiện cũng đã có “thâm niên” gần 3 năm gắn bó với những công việc làm thêm-khoảng thời gian không hề ngắn trong chặng đường 4 năm. “Mỗi đám cưới tụi em sẽ tham gia múa 1 bài, tiền công được trả thường là 80.000-90.000 đồng/người”-Thảo Uyên, chia sẻ. Theo Uyên, chỉ tính riêng Nhà hàng Trầu Cau nơi em đang cộng tác cũng đã có tới 5 nhóm múa, mỗi nhóm có 6-8 thành viên, hầu hết đều là sinh viên làm thêm, chỉ một số ít các bạn làm công việc khác. “Thời điểm này việc làm thêm nhiều lắm, vừa là thời điểm cuối năm, vừa là mùa cưới nên tụi em “chạy sô” mệt nghỉ. Lớp em nhiều bạn cũng tranh thủ dịp này tìm việc làm thêm, kiếm tiền, nào là bưng quả, bán hàng hội chợ, phục vụ nhà hàng, quán cà phê…”-Thảo Uyên, vui vẻ nói.

Với những sinh viên “có nghề” như Thảo Uyên, mùa cận Tết là thời điểm nhiều bạn phải “gồng mình” với việc làm thêm, chẳng khác những diễn viên, ca sĩ trong showbiz. “Có bạn tăng ca, ôm sô phục vụ tại 2-3 quán vì mỗi ca phục vụ thông thường chỉ khoảng 4 giờ”-Thảo Uyên chia sẻ. Với tốc độ chạy sô như vậy, các bạn kiếm được bạc trăm mỗi ngày không phải quá khó.

Trở về sau một ngày mệt nhoài với công việc phát tờ rơi, Lâm Anh-cô sinh viên năm nhất ngành Nông học vẫn vui cười hớn hở: “Em theo các chị đi làm cho vui thôi. Mỗi ngày phát tờ rơi như hôm nay em được trả 250.000 đồng cho 6 tiếng đi phát”. Là sinh viên mới nên Lâm Anh vẫn còn khá e dè và chưa sẵn “mối” để đi làm thêm như các anh chị khóa trước. Thời điểm này chính là cơ hội cho những thành viên “chân ướt chân ráo” bước vào địa hạt của dân sinh viên làm thêm.

Việc làm thêm của sinh viên cũng “nóng” dần lên theo nhịp điệu của những ngày gần về Tết. Những chiếc biển tuyển nhân viên được gắn nhan nhản trước các cửa hàng, nhà hàng, quán ăn, quán cà phê cho thấy nhu cầu tuyển nhân viên phục vụ đang tăng cao. Đó cũng là động thái của các cửa hàng chuẩn bị cho mùa Tết buôn bán sôi động.

Những trải nghiệm từ thực tiễn

“Kiến thức sách vở trên giảng đường mới chỉ trang bị cho chúng em nền tảng ban đầu, còn cuộc sống mới chính là trường đại học lớn và em muốn học ở cả hai nơi đó”-Thảo Uyên tỏ ra khá rắn rỏi. Hoàn cảnh gia đình không phải khó khăn nhưng Uyên muốn được đi làm thêm, được va chạm và tiếp xúc với thực tế cuộc sống. Từ đi theo các chị khóa trên, dần dần Thảo Uyên nắm nhiệm vụ điều hành một nhóm múa chuyên phục vụ tại Nhà hàng Trầu Cau, em còn kiêm MC dẫn chương trình trong một vài sự kiện. “Em tham gia công tác Đoàn ở trường và rồi sự năng động thấm vào máu và luôn muốn mình phải làm một cái gì đó chứ không thích sự thụ động. Làm thêm cho em cơ hội được tiếp xúc, mở rộng mối quan hệ, có thêm nhiều kinh nghiệm và kỹ năng trong cuộc sống. Phần còn lại, nó giúp em có thêm một khoản thu nhập nhỏ”-Uyên chia sẻ.

Cũng chính những cuộc thử nghiệm như thế đã đem lại cơ hội việc làm cho không ít bạn trẻ. Vũ Huy Thanh-quản lý quán cà phê Đen (đường Lê Quý Đôn-TP. Pleiku) là một trường hợp như vậy. Xuất thân là sinh viên ngành Quản lý Môi trường, ngay từ năm 2 Thanh đã đi làm thêm. Từ nhân viên phục vụ, bằng sự nhanh nhẹn và có duyên, Thanh được cất nhắc lên vị trí quản lý và công việc ấy gắn bó với bạn trẻ này cho đến hôm nay, dù tấm bằng Cử nhân Quản lý Môi trường đã nằm trong tay từ lâu. “Tự lập từ khi còn trẻ sẽ đem lại cho bản thân nhiều bài học quý giá, biết yêu quý sức lao động và trân trọng giá trị cuộc sống hơn”-Thanh tâm sự.

Hiện nay, tại quán cà phê do Thanh đảm trách công việc quản lý cũng thường xuyên có tới 5-6 sinh viên phục vụ theo ca. Mức lương trả cho mỗi ca/tháng thường là 1 triệu đồng. “Lựa chọn sinh viên phục vụ cũng có nhiều cái lợi, ngoài được lựa chọn cả về hình thức, sự nhanh nhẹn, chăm chỉ… các bạn còn là những người đang được đào tạo trong môi trường giáo dục tốt, sẽ có thái độ làm việc cũng như cư xử tốt hơn. Cái khó nhất là do các bạn còn chịu chi phối bởi lịch học và đôi khi lịch không ổn định…”-Thanh chia sẻ. Theo Thanh, nếu làm chủ được thời gian, sắp xếp hợp lý công việc và học tập, sinh viên sẽ trưởng thành hơn rất nhiều.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm