Thời sự - Bình luận

Smartphone cho người nghèo, quá đúng!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thông tin về việc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP HCM đề xuất chính quyền TP HCM cần có chương trình hỗ trợ điện thoại thông minh (smartphone) cho người nghèo được nhiều người quan tâm.

Tại một hội nghị triển khai hoạt động của TP HCM năm 2022 vào ngày 8-1, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP HCM, cho biết trong năm 2022, thành phố tập trung xây dựng chính quyền số, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công, mang lại các tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp với những mục tiêu cao như cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm (đối với những dịch vụ công đủ điều kiện). Đặc biệt, thành phố sẽ triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền với người dân và ngược lại, giữa người dân với chính quyền.


 

TP HCM tập trung xây dựng chính quyền số, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công - Ảnh: Minh Chiến
TP HCM tập trung xây dựng chính quyền số, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công - Ảnh: Minh Chiến


Giám đốc Sở TT-TT đề xuất trong quá trình chuyển đổi số, sẽ có một bộ phận người dân, trong đó có các hộ nghèo cần được hỗ trợ smartphone nhằm bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau. Theo Sở TT-TT, trong số hơn 144.000 người nghèo được ghi nhận tại TP HCM, nhiều khả năng có nhiều người không có smartphone.

Điện thoại di động ngày càng trở nên quan trọng đối với đời sống con người về nhiều mặt. Trong thời gian qua, chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng ngày càng tăng cường việc truyền thông, thông báo thông tin cập nhật cho người dân bằng các hình thức điện tử qua tin nhắn SMS, các tài khoản cộng đồng mạng xã hội. Hiệu quả cực kỳ lớn khi thông tin đến được người dân một cách nhanh chóng và phủ rộng, đồng thời có được tương tác, phản hồi từ người dân. Như các thông tin về phòng chống dịch; lịch tiêm ngừa của từng tổ dân phố; hỗ trợ người khó khăn; tình hình an ninh trật tự địa phương; làm căn cước công dân gắn chip… Tất cả đều tới tận người dân thông qua mạng online.

Vấn đề nan giải nằm ở chỗ làm sao cho cộng đồng rộng rãi, đặc biệt là những người nghèo, người ở vùng sâu vùng xa, có thể sở hữu một chiếc smartphone? Thực tế vẫn còn không ít người không đủ khả năng tài chính để có thể mua ngay cả một chiếc smartphone giá dưới 1 triệu đồng. Vừa qua, một số nhà mạng di động có đưa ra gói điện thoại giá trên 600.000 đồng một chút nhưng lại giới hạn ở một số đối tượng.

Phổ cập smartphone rõ ràng là một nhu cầu bức thiết, thậm chí làm nền tảng, cả cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia lẫn nâng cao chất lượng sống cho người dân. Ngay từ năm 2010, tổ chức Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã công bố báo cáo nghiên cứu chỉ rõ rằng điện thoại di động có thể giúp nâng người nghèo thế giới ra khỏi cảnh nghèo khó.

Chủ trương của TP HCM là rất năng động, phù hợp yêu cầu phát triển. Trong vấn đề này, có lẽ cần lưu ý một số điều. Nhu cầu thực tế hiện nay là smartphone để có thể kết nối internet, lên mạng online chứ không phải là điện thoại chức năng chỉ có thể nghe gọi. Smartphone cho người nghèo phải đơn giản, dễ sử dụng, pin lâu và nhất là bền bỉ về thiết bị, không sớm lỗi thời về công nghệ để tránh gây ra hậu quả xả rác điện tử.

Về mặt công nghệ và sản xuất, các yêu cầu này hiện quá dễ đáp ứng. Vấn đề chỉ nằm ở chỗ triển khai sao cho hiệu quả và công bằng.

 

Theo PHẠM HỒNG PHƯỚC (NLĐO)
 

Có thể bạn quan tâm